Nghe hay IELTS Listening luôn là một rào cản lớn để bạn có thể tự tin và có động lực học tiếp tiếng Anh, việc đọc được hay nói được dăm ba câu nó không “đã” bằng việc bạn nghe và hiểu được người ta nói gì, phải không? Nhưng đầu không xuôi thì đuôi không lọt, nhiều bạn bị kẹt ở kỹ năng này nên học mãi chẳng thấy đâu vào đâu cả.
Một số lí do khiến các bạn không nghe tiếng Anh được:
- Phát âm sai: không nói đúng nên không nhận ra âm
- Từ vựng/ngữ pháp yếu: phải tích lũy thêm chứ còn cách nào khác, xem script còn không hiểu thì nghe cái gì?
- Tốc độ nói: không quen nối âm, các âm bị bỏ trong văn nói, nghe nhiều mới có kinh nghiệm.
Riêng trong IELTS thì không những phải nghe mà còn phải làm bài song song. Các bạn tầm band 5.0, 6.0 nghe chữ được chữ mất nên hay sa vào bẫy lắm, tầm 4.0 trở xuống thì coi như không nghe được gì, toàn lụi thôi. Dưới đây sẽ là phương pháp luyện nghe, nếu bạn khoảng dưới 5.0 hoặc khoảng 5.0 bắt đầu làm đềthì:
- B1: (QUAN TRỌNG NHẤT) lấy cái script ra xem, đọc hiểu hết cái script, tra tất cả từ vựng mới + phát âm chưa biết, chỗ nào chưa hiểu đi hỏi hoặc tra google, nên chọn tài liệu đúng trình độ.
File nghe không có script bỏ, không cần làm, script là cái thứ quý giá nhất của bài nghe mà các bạn hay xem thường, nghe không ra thì phải xách ra đọc chứ làm sao ➡️ Bật file nghe, vừa nghe vừa nhìn cũng được, chỗ nào nghe không được tua, nghe N lần cũng được, nghe đến khi nào hiểu 100%. ➡️ Thu âm bài nghe 1 lần (cho bài nghe nó chạy qua não, nếu làm được bước này càng tốt) - B2: Lấy đề ra làm, cố làm hết sức, không quan trọng kết quả.
- B3: Check đáp án, xem lại các chỗ sai, các bẫy (nếu có). Ngồi nghe chay lại bài nghe đến khi không nhìn script vẫn hiểu 100% => bạn tiến bộ rồi đó, có thêm từ vựng và bắt kịp tốc độ bài nghe rồi
Nếu bạn 7.0 – 8.0 muốn nâng band thì có thể bỏ qua bước 1. Luyện liên tục 10 test là bạn sẽ thấy khả năng nghe của mình khác liền.
Dưới đây là chia sẻ lại của 1 bạn với những kinh nghiệm và những đúc kết của bản thân sau kỳ thi IELTS đầu tiên trong cuộc đời, các bạn tham khảo nha.
IELTS LISTENING – Không chú tâm nghe keyword, phải hiểu câu hỏi trước
Bằng 1 cách thần kỳ nào đó, mình đã đạt 8.0. Mình cảm thấy là đề Listening đã dần có xu hướng khó hơn vì thỉnh thoảng bài nghe sẽ không không đề cập đáp án theo thứ tự các keyword được cho nữa. Tức là người ta sẽ đọc đáp án trước rồi mới nhắc đến các keywords sau.
Thế nên, chúng ta cần phải nghe được nội dung cả bài nghe chứ không phải chỉ canh theo keyword như lúc trước. Nếu mọi người thường mất tập trung lúc nghe hoặc thường miss các đáp án thì có thể thử cách nhẩm lại những gì nghe được trong toàn bộ bài nghe, lâu dần mình thấy cách này sẽ cải thiện việc tập trung lúc nghe. Đối với cách cải thiện kỹ năng này, không có cách nào khác ngoài việc luyện tập.
Còn về tài liệu, mình thấy bộ Cam huyền thoại và bộ IELTS Trainer 1,2 sẽ sát đề thi thật nhất. Ngoài ra bộ Improve your listening skill theo từng band cũng khá ổn. Còn bộ Actual Test và Road to IELTS thì mình thấy nó khó tắt thở. (Nhưng nếu có thời gian mọi người cũng có thể làm thử cho biết và học thêm từ vựng)
IELTS READING – Quan trọng phương pháp làm bài hơn từ vựng
Kỹ năng này mình đạt 7.5, trong khi trước đó chỉ mãi lẹt đẹt ở band 6. Ngoài từ vựng thì phương pháp làm bài cũng vô cùng quan trọng. Mọi người nên tham khảo các video giải đề của các Thầy/ Cô trên Youtube để tham khảo cách họ giải 1 đề Reading. Đại loại mình sẽ chia thành 2 bước sau:
- Bước 1: Đọc tựa đề và gạch chân keyword của các câu hỏi – Đọc tựa đề giúp chúng ta có 1 cái nhìn khái quát về chủ đề mà đoạn văn đề cập. Tiếp đó, mọi người nên đọc và gạch chân toàn bộ keyword trong các câu hỏi của các dạng matching, và chỉ đọc và gạch chân keyword cho câu hỏi đầu tiên của từng dạng câu hỏi còn lại. Việc này giúp chúng ta sẽ dàng xác định được đoạn văn sẽ đề cập đến bộ câu hỏi theo từng dạng ấy trong bài đọc.
- Bước 2: Skim và Scan từng đoạn để tìm đáp án – Việc này giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian vì không cần phải đọc đi đọc lại 1 đoạn để tìm đáp án cho tất cả các câu hỏi liên quan và cũng tránh việc sót ý cho các dạng câu hỏi TRUE/YES, FALSE/NO, NOT GIVEN. Đồng thời, việc này sẽ có ích rất nhiều cho việc làm các câu Matching Headings, vì sau khi đã đọc qua 1 lần, chúng ta sẽ có thể hiểu sâu hơn đại ý của đoạn văn khi làm các câu hỏi liên quan trong đoạn văn đó.
Các tài liệu có thể tham khảo: bộ Cam, IELTS Trainer 1,2, Improve your reading skill. Ngoài ra, khi có nhiều thời gian ôn luyện, mọi người cũng có thể tham khảo thử phương pháp LinearThinking trong reading, mình thấy nó cũng khá hay.
IELTS WRITING – Học theo bài mẫu
Nếu được thì mọi người nên tìm 1 người sửa bài giúp, vì đôi khi mình thấy bài của mình hay cực nhưng sửa ra lại sai tè le. Đối với Task 2, mọi người có thể học theo bài mẫu để xem cách người ta triển khai ý, cách viết 1 đoạn body, cũng như là từ vựng theo chủ đề. Còn với Task 1, mọi người có thể viết sẵn 2 dạng Intro cho dạng 1: Line, grap, map… và dạng 2: Process. Như vậy khi thi thì chỉ thay thế 1 vài chỗ từ đề bài vào thôi, sẽ không mất thời gian suy nghĩ.
IELTS SPEAKING – Phải bình tĩnh
Bình tĩnh và tự tin trong phòng thi là yếu tố quan trọng. Cứ nói chậm rãi và rõ từ, chú ý đến ngữ pháp thì đã thành công hơn 1 nửa. Mình thấy học theo Forecast sẽ tiết kiệm thời gian cho việc luyện thi Speaking vì khả năng cho trong bộ câu hỏi ấy rất cao. Chuẩn bị ý tưởng và hình dung ra các câu hỏi có thể được hỏi trong phòng thi thôi nhé, đừng nên học thuộc vì vào tới phòng thi rồi thì chẳng nhớ nỗi đâu, hơn nữa giám thị biết rõ mình có học thuộc câu trả lời hay không. Về tài liệu ôn, ngoài bộ Forecast của Thầy Bách, mọi người có thể tham khảo thêm các đề trên web Ieltsbro.
Đối với Writing và Speaking mọi người cũng nên tham khảo các tiêu chí chấm điểm theo từng band để có thể điều chỉnh cách viết, cách nói cho phù hợp nha. Bởi vì “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”
Trên đây hoàn toàn là ý kiến và kinh nghiệm chủ quan của cá nhân mình. Mong là sẽ giúp ý cho những ai có phương pháp học và cảm nhận giống mình