Bài viết này cung cấp toàn bộ những gì bạn cần để viết được một bài Writing task 1 nhanh chóng và chính xác nhất. Trong Task 1 có 2 dạng chính là: biểu đồ dạng số và dạng dữ liệu hình ảnh (quy trình – process hoặc bản đồ – map). Đây là phần dàn bài bạn cần vạch ra cho mỗi dạng. Một dạng khác cũng có thể ra như mà tần suất có thể không nhiều bằng những loại này, bạn có thể xem cách làm các dạng đó trong mục IELTS Skills/Bí kíp Writing nha.
Cách nhận diện loại bài thi trong IELTS Writing Task 1
A. Dạng biểu đồ
Đừng học theo các loại biểu đồ mà hãy học theo dựng dữ liệu số: bao gồm Dữ liệu số Động Dynamic (là dạng có thời gian); và dạng Dữ liệu số Tĩnh Static (dạng không có chu trình thời gian).
B. Dạng quy trình
– PRODUCTION Có 2 kiểu: MANUFACTURING PROCESS: là dạng miêu tả quá trình sản xuất một đối tượng, sản phẩm và MECHANISM: Miêu tả cơ chế hoạt động của một đối tượng.
– LIFE CYCLE là dạng miêu tả vòng đời, vòng tiến hoá của một con vật – đồ vật. Là dạng đề khó hơn cả, bởi lượng từ vựng để miêu tả “sự tiến hoá” của thí sinh thi IELTS rất nghèo nàn.
C. Dạng bản đồ
Dạng Map có 2 loại phạm vi cảnh vật: Một là Landscape – theo diện rộng; hai là Layout – phạm vi hẹp cố định. Vậy nên: dạng Landscape sẽ có sự mở rộng diện tích và thêm mới các công trình và dạng Layout sẽ có sự thay thế sự vật và thay đổi chức năng khu vực.
Lên dàn bài cho đề thi IELTS Writing Task 1
A. Dàn bài dạng biểu đồ
- Đoạn 1 (1 câu): Paraphrase lại câu giới thiệu của đề bài (bảng này cho thấy/ đồ thị này cho thấy…)
- Đoạn 2 (1-2 câu): Viết câu nhận xét chung – những xu hướng chính, thứ tự lớn bé của các đối tượng trong biểu đồ.
- Đoạn 3 & 4: Miêu tả xu hướng của các đối tượng, so sánh những xu hướng đó, chỉ ra điểm max, min của đối tượng, etc.
=> Không có kết bài.
Trong biểu đồ có thể có nhiều số, nhưng chúng ta sẽ không miêu tả hết, mà chỉ nói những gì nổi bật nhất. Nếu bài có 2 biểu đồ, chúng ta sẽ miêu tả từng cái một theo thứ tự. Có thể 2 biểu đồ này liên quan tới nhau (2 năm khác nhau của cùng 1 dữ liệu), hoặc 2 loại dữ liệu hoàn toàn độc lập. Nếu chúng có liên quan, khi viết cái thứ 2 các bạn nhớ so sánh.
B. Dạng quy trình
- Đoạn 1 (1 câu): Paraphrase lại đề bài (tương tự như biểu đồ)
- Đoạn 2 (2 câu): Khái quát lại quy trình này bắt đầu với cái gì và kết thúc với cái gì, advanced hơn khi bạn gọi tên được những giai đoạn chính của quy trình đó.
- Đoạn 3 & 4: Miêu tả từng quy trình và dẫn dắt bằng các từ chỉ thứ tự. Dễ nhất là đi theo kiểu (Firstly, Secondly, Next, Then, … Finally)
Chú ý trong dạng bài quy trình, tất cả những gì bạn cần viết đều đã được cho trên biểu đồ. Bạn chỉ cần làm đa dạng hoá nó đi bằng cách viết các câu chủ động/ bị động đan xen.
C. Dạng bản đồ
Tương tự với biểu đồ và quy trình, bao giờ bạn cũng phải viết 2 đoạn đầu tiên như sau:
- Đoạn 1 (1 câu): Paraphrase lại đề bài (bản đồ này vẽ cái gì)
- Đoạn 2 (2 câu): Miêu tả các sự thay đổi rõ rệt nhất trên bản đồ
- Đoạn 3-4: Miêu tả cụ thể các sự thay đổi theo năm. Bài maps không có quá nhiều thứ để miêu tả. Ở phần này, các bạn cần miêu tả các thay đổi trên bản đồ. Cách dễ nhất là các bạn đi theo năm, từ những năm sớm nhất tới những năm gần đây nhất: cái nào có thêm, cái nào mất đi.
Cách paraphrase đề bài IELTS Writing Task 1
Paraphrase là một kĩ năng rất hữu dụng và cần thiết, vì ở cả Task 1 và Task 2, bạn cần paraphrase lại câu mở đầu. Thao tác này đặc biệt dễ ở Task 1 vì khi đọc đầu bài các bạn có thể định hướng được ngay các phần nhỏ để paraphrase. Về cơ bản, các bước để paraphrase đầu bài Task 1 như sau:
- B1: show = give information about = illustrate = demonstrate
- B2: Nếu đề bài nói là “the chart” thì viết lại cụ thể hơn, thành “the first chart” hoặc “the bar chart”
- B3: Nếu cái bảng đấy có nhiều “đối tượng” khác nhau, các bạn nói rõ xem là mấy đối tượng.
Ví dụ: The chart below shows the amount of money per week spent on fast foods in Britain.
Mình nhìn vào đồ thị có 3 loại fast foods nên mình sẽ viết lại thành: 3 different types of fast foods. - B4: Các từ chỉ số lượng như amount, number, population, percentage chuyển thành how many/how much và ngược lại.
- B5: Nếu có số năm (ví dụ: 1900 – 2015), các bạn có thể viết from 1900 to 2015, hoặc dùng cụm rất lợi hại là over the course of 115 years starting from 1900.
Cách nhận xét chung trong Task 1
Nhiệm vụ đầu tiên của bạn là đưa ra một “transition” ở đầu đoạn văn này, và đơn giản nhất là từ “Overall”. Bạn đừng nên viết “we can see” vì chúng ta đang cố gắng tránh sử dụng các đại từ chỉ người (I, you, we, they, he, she), vì những từ này làm giảm tính chất trang trọng (formality) của câu.
Nhìn theo thứ tự
Với những biểu đồ nhiều đường hoặc đối tượng, hãy tự đặt câu hỏi: cái nào là lớn nhất hoặc chiếm tỉ trọng cao nhất?
Nhìn theo xu hướng chung
Với đề bài ít đối tượng (1-2 đối tượng) hoặc không có thứ tự rõ ràng, các bạn nên nhận xét xu hướng tổng thể của tất cả các tối tượng. Ví dụ: nhìn chung, xu hướng của các đường đều là đi lên, vì điểm kết thúc cao hơn điểm bắt đầu => chỉ ra xu hướng chung là xu hướng tăng.
Nhận xét chung quy trình (Process)
Vậy với những bài không số và xu hướng như Process thì sao? Với những đề bài Process, bạn sẽ viết một câu tổng quát dùng để nhóm các bước vào thành các giai đoạn chính. Sau đó hãy chỉ ra quy trình bắt đầu bằng bước gì và kết thúc thì có được cái gì?
Nhận xét chung Maps
Hãy dựa vào đặc thù của maps để nhận xét về nó. Tất cả các bản đồ đều chỉ sự thay đổi của một địa điểm nào đấy qua năm tháng, và sự thay đổi này thường xoay quanh sự thêm vào và mất đi của các công trình (tòa nhà, đường xá, …)
Hướng dẫn viết thân bài cho Task 1
A. Dạng biểu đồ
Trong IELTS Writing Task 1 loại biểu đồ dữ liệu số, sẽ chỉ có 2 loại dữ liệu số: TĨNH (static data) và ĐỘNG (dynamic data).
Đoạn 3 & 4: nhiệm vụ chính trong thân bài của bạn là khai báo và so sánh dữ liệu. Và dạng bài dữ liệu ĐỘNG nào cũng có thể áp dụng cấu trúc 3 loại câu như sau:
- Sentence 1: khai báo dữ liệu năm đầu tiên
- Sentence 2: miêu tả cụ thể sự tăng giảm tới năm cuối giai đoạn luôn (giả sử năm 2015), có thể bỏ qua năm ở giữa nếu xu hướng rất rõ ràng.
- Sentence 3: so sánh với dữ liệu khác bằng bị động – “một xu hướng tăng tương tự được nhìn thấy…” và đồng thời miêu tả cụ thể con số ban đầu và sự tăng giảm của dữ liệu đó.
Còn đối với dạng dữ liệu số TĨNH, bạn dùng 2 câu chính:
- Sentence 1: khai báo cặp số của đối tượng A
- Sentence 2: so sánh cặp số này với đối tượng B
Với điều kiện A và B có tương đồng về tỷ lệ thương số hoặc hiệu số của A – B; hoặc gộp theo những điểm chung về mức độ con số ngang bằng nhau hoặc có tỷ lệ đặc biệt.
B. Dạng quy trình
👉 SỬ DỤNG TỪ, CỤM TỪ NỐI
Trong Ielts Writing nói chung và dạng đề Diagram nói riêng, yếu tố CC (coherence & cohesion) luôn là một yếu tố được chú ý tới đầu tiên, bởi lẽ nó thể hiện progress trong bài viết của bạn. Vì vậy những cụm trạng ngữ nối câu nên được sử dụng tối ưu trong những công đoạn: giới thiệu các bước, chuyển tiếp giữa những bước khác nhau, kết thúc tiến trình, etc.
- Mở đầu: at the beginning of the process, initially, the process commences with sth, at the very first stage of the process, etc.
- Nối tiếp: next, after that, subsequently, following that, as followed by sth, the process proceeds (continues) with sth, etc.
- Kết thúc: the process concludes with sth, at the end of the process, finally, etc.
👉 PARAPHRASE NHỮNG TỪ CHO SẴN TRONG HÌNH
Mặc dù các bước, công đoạn trong một đề diagram đều đã có từ mẫu cho sẵn, nhưng tất nhiên nếu bạn sử dụng lại những từ cho sẵn này, điểm từ vựng (tiêu chí LR) sẽ không được cao. Vì vậy hãy cố gắng paraphrase lại những từ có sẵn nhé. Thậm chí điểm từ vựng của bạn sẽ còn cao nữa khi bạn paraphrase sử dụng một từ còn chính xác hơn với context trong hình.
👉 VẬN DỤNG NGỮ PHÁP BỊ ĐỘNG
Trong đề bài diagram, các hình ảnh được đưa ra thường chỉ có nguyên vật liệu, công cụ chứ hiếm khi có hình ảnh người thực hiện công việc, vì vậy bạn phải sử dụng Bị động với chủ ngữ chính là những vật liệu, công cụ trên.
👉 THAY ĐỔI CHỦ NGỮ THƯỜNG XUYÊN
Bạn áp dụng ngữ pháp Bị động sẽ cần nhiều chủ ngữ cho nhiều câu khác nhau, bởi vì nếu không câu nào trong bài văn của bạn cũng là sản phẩm được miêu tả. Vì vậy, để ghi điểm nhiều hơn về mặt từ vựng bạn hãy cố gắng thay đổi chủ ngữ. Ví dụ nếu bức hình miêu tả việc gọt vỏ của quả lê => thay vì dùng quả làm chủ ngữ: “quả lê được gọt vỏ – the fruit is peeled” thì hãy chuyển thành “lớp vỏ bên ngoài quả lê được gọt đi – the skin outside the fruit is peeled”
👉 KẾT HỢP CÁC BƯỚC, GIAI ĐOẠN VỚI NHAU
Việc kết hợp các bước và giai đoạn sẽ tạo ra những câu phức, và khi đó chắc chắn điểm ngữ pháp của chúng ta sẽ gia tăng đáng kể. Những cụm bạn có thể dùng để kết nối 2 vế câu có thể ví dụ như: before/ after + Ving; SVO prior to sth; SVO, as followed by sth (lưu ý sth có thể được thay thế bằng SVingO)
👉 CHỈ RA CHỨC NĂNG, CÔNG DỤNG CỦA CHI TIẾT
Bài viết Diagram của bạn sẽ sâu sắc và “có màu” hơn khi những đặc điểm như địa điểm, thời gian, phương tiện và đặc biệt là chức năng hay công dụng của chi tiết/ vật liệu được đề cập tới trong bài viết. Việc này được đánh giá cao bởi giám khảo vì nó đòi hỏi một hiểu biết nhất định của thí sinh về chính quy trình được mô tả trong đề Diagram. Cách dẫn dắt thì rất đơn giản bạn chỉ cần gài Mệnh đề quan hệ vào sau chi tiết là được.
C. Dạng bản đồ
Đầu tiên hãy tìm ĐIỂM MỐC – là một sự vật không thay đổi về hình dạng, vị trí trong bản đồ. Hãy miêu tả sự “đứng yên” của sự vật này để người đọc hình dung dễ dàng về vị trí của nó, sau đó từ phạm vi đó miêu tả rộng ra các sự vật xung quanh. Đồng thời với mỗi sự vật được xây mới, bạn hãy đề cập tới công dụng của sự vật đó, vừa để làm bài viết của bạn sâu sắc hơn vừa đủ số từ ít nhất 150 từ. (VD: the introduction of cinemas, which is to cater to the recreational needs of the residents)