Mình đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh – ra trường mà quả thật là gặp Tây nói chuyện vẫn sợ. Qua vài năm làm việc, rồi xin được học bổng du học, rồi lại làm việc với người nước ngoài, thì mình đã tự tin hơn với vốn tiếng Anh của mình. Đến đoạn này, đột nhiên mình lại thích học thêm một thứ tiếng nữa và nhân lúc “nhàn cư vi bất thiện” mình đã đăng kí một khóa tiếng Pháp giao tiếp.
Thật không ngờ, sau 2 tuần học (mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 1 tiếng rưỡi), một hôm mình nói chuyện với 1 ng bạn Pháp (từ trước toàn nói bằng tiếng Anh), người này đã ngỡ ngàng vì vốn từ của mình tăng lên nhanh chóng, mình diễn đạt được nhiều hơn, chứ không còn vài câu chào hỏi nữa. Vậy mình đã làm gì để tiến bộ nhanh, mình ngồi lại và viết ra những điều mình đã làm như sau
1. Tư duy bằng ngôn ngữ mình đang muốn học.
Trước đây để cho nhanh mỗi lần nghĩ câu bằng ngoại ngữ khó quá, mình lại tiện nghĩ nó sang tiếng Việt cho nhanh. Lần này, mình cương quyết với chính mình, hãy cố nghĩ từ đó bằng tiếng Anh, cần thì đi tìm bác Google hỗ trợ. Ví dụ khi mình đang viết thế này, mình luôn tư duy song song bất cứ lúc nào có thể. Chẳng hạn mình viết từ “ví dụ”, mình sẽ liên tưởng ngay từ đó trong tiếng Anh là gì “à, nó là example”…
2. Khi học ngôn ngữ nước ngoài, mình sợ nhất môn nghe.
Mỗi lần thi nghe, tim đập chân run mà gặp đài cassette rè nữa thì ôi thôi đúng nghĩa vịt nghe sấm. Thời nay sướng rồi chúng ta có ti vi các kênh, có spotify, có podcast, có youtube, hãy bật kênh tiếng Anh lên bất kì lúc nào có thể, kể cả khi bạn đang làm việc khác, hãy cứ để cho đài, tivi, máy tính nói, đôi khi bạn nhẩm theo cái từ họ đang nói, lâu dần những thứ mình nghe nó sẽ đi vào bộ não của mình.
3. Tự đối thoại với chính mình.
Mình hay tưởng tượng ra một chủ đề để nói chuyện với chính mình. Ví dụ một hôm mình sẽ nói về ẩm thực (kiểu bạn thích ăn gì, mình thích ăn gì, món này làm thế nào), và đương nhiên mình sẽ là người đóng hai vai một lúc. Không ai đánh thuế bạn nên cứ thoải mái giở từ điển hoặc google để có sự trợ giúp.
4. Tham gia một nhóm trao đổi ngôn ngữ.
Hiện mình thấy có meet-up – trang này thỉnh thoảng tổ chức nhóm trao đổi ngôn ngữ. Đây cũng là cách hay, chứ không như ngày xưa, cứ phải ra bờ hồ rón rén như quân trộm cắp, chỉ trực anh Tây đi qua, xông tới xin nói chuyện. Thật là vô duyên sao ý.
5. Thêm tiếng Anh vào ngôn ngữ điện thoại.
Ví dụ mình dùng iPhone, mình để 2 ngôn ngữ Anh, Việt. Vậy là khi mình thử soạn 1 tin nhắn bằng tiếng Anh, điện thoại sẽ gợi ý từ, bằng cách đó mình nhớ được cách viết của từ.
6. Lập kế hoạch rõ ràng cho việc sử dụng ngôn ngữ mình đang học.
Ví dụ học để đi du học hay học đơn thuần để giao tiếp khi đi du lịch hay để nghe được bản nhạc, đọc được sách báo. Khi xác định được mục tiêu thì mình sẽ có động lực học hơn.
7. Tải apps Pinterest về, trên đó có vô số tư liệu học , rất hữu dụng.
Bất kì khi nào ngồi trên xe buýt, hay trong lúc chờ bạn ở quán, hay trước khi đi ngủ, hãy mở Pinterest ra, đọc và pin những tư liệu học tiếng Anh. Thông thường trên Pinterest hay có theo chủ đề, ví dụ ngày tháng trong tiếng Anh là gì, hay các mùa trong tiếng Anhlà gì…Bản thân mình thấy Pinterest cực kì hữu dụng và thuận lợi.
8. Hãy mang theo một quyển sổ viết nhỏ – bất kì lúc nào rảnh rỗi, bạn hãy viết vào đó những câu, từ tiếng Anh bạn muốn nói.
Mỗi lần viết xuống lại tạo cơ hội cho bộ nhớ của chúng ta tiếp nhận thông tin và ghi nhớ.
9. Tận dụng cơ hội trên lớp – chúng ta thường e ngại nói khi cảm giác không nói được trọn vẹn cả câu.
Cứ nói, kể cả vò đầu bứt tai vẫn cứ nói, nói sao cũng được, thay vì nói thẳng thì nói vòng cũng được, nhưng đó là cơ hội để thầy cô giúp mình sửa và điều chỉnh câu cú, ngữ pháp, cách phát âm, …Không bao giờ có sự hoàn hảo mà sự hoàn hảo nhất là ở chỗ tự tin nói kể cả khi không hoàn hảo.
10. Liên tưởng giữa các ngôn ngữ hoặc suy đoán ngôn ngữ.
Các từ trong tiếng Anh đều có 1 cái gốc từ nào đó, rồi từ đó nó sinh ra danh, động, tính, trạng,…việc suy đoán hay cố mà nặn óc suy đoán, sau đó tra từ điển để khẳng định lại suy nghĩ của mình sẽ đem lại cho bạn 1 trí nhớ dài hạn về từ đó.
11. Hãy thả lỏng và thư giãn với việc học nhưng không lười.
Bạn không thể cứ ngồi đó chơi mà chữ chui tọt vào đầu. Khi bạn không nói một câu, thông thường bạn sẽ bị căng thẳng và rồi dẫn đến mệt, nản. Đừng, hãy thư giãn thả lỏng và bớt kì vọng vào bản thân. Hãy chấp nhận sự sai và xác định mọi thứ cần thời gian, mỗi ngày một chút nhưng chắc chắn một điều ta đang xây từng viên gạch cho ngôi nhà ngôn ngữ của mình là được. Cơ thể và tâm trí chúng ta làm việc tốt nhất khi thư giãn, thả lỏng. Bạn cứ thử mà xem!
12. Hãy yêu ngôn ngữ mình đang học.
Uhm cái này cuối cùng nhưng có vẻ quan trọng nhất nhỉ, chỉ cần yêu là sẽ tìm ra muôn đường muốn lối có được tình yêu đó, phải không?! Có thể chỉ là yêu những bản nhạc trữ tình của Pháp như mình thôi cũng được…
Mình chắc rằng các bạn cũng sẽ có phương pháp học khác nữa để học ngôn ngữ, chúng mình cùng nhau chia sẻ nhé.