Giàu có là một khái niệm rất “vô minh” vì mỗi nền văn hóa, quốc gia, độ tuổi và trình độ học vấn sẽ có cách nhìn nhận về sự sung túc khác nhau. Với một đứa trẻ, thấy bạn mặc đồ đẹp, đeo cặp mới là giàu. Với một người trưởng thành, phải có nhà có xe thì mới tạm gọi là ổn. Ở VN, chúng ta thường không có thang giá trị nào để làm cột mốc xác định giàu nghèo rõ ràng. Thấy ai hơn mình, nghĩa là giàu.
Ở Canada và các nước phát triển thì khác. Họ có những thang đo, cấp độ rõ ràng để phân biệt tình hình tài chính của mỗi con người, từ đó mới xác định được bản thân hay cá nhân đó có “giàu” thiệt sự hay không. Các định nghĩa thường dùng như
🍁Financial Security (an toàn tài chính)
🍁Financial Independence (độc lập tài chính)
🍁Financial freedom (tự do tài chính)
Chính vì người ta có những thông số rõ ràng như vậy nên không thể tự huyễn hoặc bản thân “tôi giàu” hay khoe với người khác “mình giàu” được. Lỡ người khác đòi sao kê hay báo cáo tài chính là quê chữ ê kéo dài liền.
Nếu nói sâu hơn về vấn đề này thì lại lan man qua chủ đề tài chính, nên mình đưa ra một khái niệm tối giản của việc giàu ở Canada nhen.
“Nếu bạn biết bất cứ ai ở Canada sở hữu nhà mà không thiếu tiền vay ngân hàng (mortgage), thì đó là một người giàu”
Lưu ý – Từ nhà trong bài này phải hiểu là mọi hình thức lưu trú, như condo, townhouse, apartment…
Sở dĩ dùng nhà làm ví dụ vì theo quan niệm của người Á Đông chúng ta, nhà là một tài sản có giá trị lớn nhất và giữ có vị trí quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Làm gì không cần biết, phải mua nhà trước cái đã, “an cư mới lạc nghiệp”. Tài năng sao không cần biết, mua được cái nhà thì mới thực giỏi. Với giá đất, giá nhà tại các thành phố lớn tại Việt Nam không ngừng tăng cao trong những năm vừa qua thì việc sở hữu một căn nhà đúng là đáng mơ ước.
Ở Canada thì khác, nếu hai vợ chồng có công ăn việc làm thì việc mua nhà nằm trong khả năng. Mức trả trước cho ngôi nhà của bạn sẽ rơi vào khoảng 20%-35% giá trị ngôi nhà và phần còn lại ngân hàng sẽ cho bạn vay dựa trên đánh giá về thu nhập của gia đình bạn, mức độ tín nhiệm và khả năng thanh toán nợ với kì hạn thánh toán có thể lên tới 30 năm. Hiểu đơn giản là mua nhà trả góp.
Giờ mình sẽ lấy một ví dụ đơn giản để mọi người dễ hình dung. Lưu ý các con số bên dưới mang tính chất tham khảo. Mình sẽ làm một live stream với chuyên viên bất động sản trong thời gian sắp tới sẽ có số liệu chính xác và giải thích cặn kẽ hơn cho mọi người nhé.
Lấy ví dụ một căn hộ 3 phòng ngủ có giá $600,000. Bạn sẽ trả trước $120,000 tương đương mức trả trước 20%, số tiền 480,000 bạn sẽ trả góp hàng tháng trong vòng 30 năm + lãi suất + thuế đất, phí quản lý và phí thủ tục giấy tờ khi mua. Số tiền bạn cần trả ngân hàng 2,500-2,900$/tháng. Nếu căn nhà có 3 phòng, 2 vợ chồng ở 1 phòng và cho thuê 2 phòng ($700-$800 phòng), sau khi trừ chi phí điện nước, internet ra là hàng tháng bản cần bỏ thêm $1,500-$1,700 là đủ tiền góp ngân hàng. Như vậy hàng tháng số tiền bỏ ra để sở hữu ngôi nhà tương đương số tiền bạn thuê apartment 1 bedroom tại Toronto. Lưu ý – Để giảm số tiền trả ngân hàng mỗi tháng, bạn có thể tăng số tiền trả trước khi mua nhà lên. Đừng ai hỏi kiếm tiền downpayment đó ở đâu ra nha. Hãy quyết định mua khi có khả năng, thế thôi.
Thậm chí nhiều người mua 2-3 căn để đầu tư lấy tiền cho thuê trả tiền vay ngân hàng. Sau 3-4 năm họ có thể bán đi để có được khoản lời khi giá nhà tăng + khoản tiền đã trả cho ngân hàng mỗi tháng trong thời gian đó. Nên chưa bao giờ việc ai đó có nhà nghĩa là họ “giàu có hay thành đạt”.
Tuy nhiên, những người không trả đứt tiền căn nhà không có nghĩa là họ không giàu vì họ có thể dùng tiền để đầu tư vào nhiều kênh sinh lời khác nhau để tăng lợi nhuận. Nhưng những người mua đứt căn nhà thì chắc chắn là họ giàu nhen, vì họ phải có nhiều hơn số tiền để mua căn nhà đó nữa. Không ai bỏ hết trứng vào một rổ đúng không nào.
Để mình kể cho bạn một câu chuyện ở Canada
Ở Canada, mọi người tôn trọng tự do cá nhân và sống khá khép kín nên nhiều khi hàng xóm chục năm cũng chẳng biết tên tuổi gốc gác của nhau. Sát bên nhà mình thuê là một ông chú đậm người to béo, ngoài những ngày hè nắng ấm, chẳng bao giờ thấy ông ló đầu ra khỏi cửa, nhà lúc nào cũng tối tăm đến mức trẻ em quanh khu cứ đi ngang qua là chạy thục mạng, Halloween còn không dám gõ cửa xin kẹo. Mảng cỏ giáp ranh 2 nhà, một bên thì chủ mình cắt tỉa gọn gàng, mùa nào hoa nấy, phía còn lại thì cỏ mọc chấm gối, trông hoang tàn.
John sống một mình và theo bà chủ nhà kể ông dọn về đây vài năm trước. Chẳng ai biết ông làm nghề gì, những lần gặp mặt ông luôn mặc một bộ đồ nhàu nhĩ màu cháo lòng trông chán đời và thường xách theo túi bia mới mua ở LCBO về. John rất lười dọn dẹp, chăm sóc vườn tược nhưng lại thích trồng cây, nghe nó cứ sai trái kiểu gì nhỉ? Cứ mua hè là khoản đất ít ỏi nép mình vào vách tường nhà John um tùm hoa lá. Ông hay mua cà chua về trồng. Trái ra chi chít đỏ mọng nhưng chưa lần nào thấy ông hái. Cứ để vậy đến khi nó chín rục, thối rửa cả cây lẫn trái.
Một hôm, bà chủ nhà dí tờ báo vô mặt mình mục điểm tin khu mình sống. Báo đưa tin manager của một chi nhánh ngân hàng tại địa phương bị stroke – đột tử qua đời tại nơi làm việc. Điều kinh ngạc là nhân vật xấu số đó không phải ai khác mà chính là John vì địa chỉ nơi ở không thể nhầm lẫn được. Suốt bấy lâu nay thấy ổng đi chiếc xe corolla 2006 màu champage trầy xước trông phát chán ai ngờ là dân finace có chức quyền. Đau tim hơn nữa là khi qua đời, trong di chúc John để lại căn nhà và tổng sổ tiền trong tài khoản cho SICKKIDS, bệnh viên Nhi của Toronto. Ước tính số tiền đâu đó hơn 3 triệu đô khiến hàng xóm ai cũng há hốc mồm.
Văn hóa phương đông thường coi trọng bề ngoài. Cứ quần là áo lượt, vào máy lạnh ra ô tô là đích thị người giàu. Rất nhiều anh chị quyết tâm phải định cư bằng mọi giá cũng bởi vì tìn vào những hình ảnh được người khác thêu dệt bằng cuộc sống giàu sang, sung túc, một bước lên mây khi đặt chân đến xứ người là vậy. Tiếng anh có một cụm từ “daydreamer” để chỉ những kẻ mộng tưởng như thế.
Văn hóa phương tây, đặc biệt Canada thì không câu nệ chuyện ăn vận, mua sắm. Bạn sẽ không thể phân biệt được ai giàu ai nghèo ở Canada. Mọi người ăn bận y như nhau trên subway, chỗ làm việc hay nơi công cộng. Bạn phải tiếp xúc lâu, nói chuyện đủ thân tình và có dịp được mời đến gia trang của họ thì mới biết người ấy là ai.
Mình nhớ có đọc trong cuốn Born a Crime của Trevor Noah, khi đứa con lâu ngày xa cách gặp lại bố và muốn vun đắp mối quan hệ giữa hai người, ông bố mới nói rằng “bất cứ một mốt quan hệ bền vững nào cũng cần có thời gian”. Tóm lại, để hiểu tường tận về một người Canada (mà thật ra bất cứ người nào), không phải là chuyện một sớm một chiều, đọc vài bài posts, xem vài tấm hình trên mạng xã hội là có thể “nhìn mặt mà bắt hình dong” ngay được.
Điều thứ hai là người giàu ở Canada không ai tự khoe mình giàu cả. Điều này một phần là do văn hóa trước giờ của họ không cổ xúy việc khoe khoang và còn do giáo dục, dân trí của họ. Nếu ai đó tự nhận mình giàu và suốt ngày ba hoa thì thật là kệch cỡm và tất nhiên chả ai muốn chơi. Thêm vào đó, truyền thông ở Canada không có chuyện tập trung khai thác những chủ đề về người giàu bởi vì đó không phải là chủ đề được người dân của họ quan tâm. Chẳng mấy ai quan tâm đến nghệ sĩ này chạy siêu xe bao nhiêu triệu đô, ở Villa mấy ngàn tỉ. Họ đều hiểu việc quan tâm đến những chủ đề vô bổ này chẳng giúp bản thân kiếm thêm được đồng cắc nào và cũng chẳng liên quan tới mình. Họ dành thời gian và sức lực sau giờ làm việc hoặc những ngày nghỉ cho gia đình, cho bạn bè và đặc biệt dành sự quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội, nhân quyền. Chính vì vậy mới có một đất nước Canada đáng sống như hiện nay !
Mình hỏi thật nếu bạn giàu thật sự, bạn có dám đi khoe hết đồ đạc cửa nẻo nhà bạn cho người khác biết không?
Là do bạn không sợ bị dòm ngó hay bạn đang có động cơ gì?