Ngày này 2 năm trước, lúc vừa mới có bảng điểm và giấy chứng nhận hoàn tất chương trình học, mình bắt đầu công cuộc săn tìm việc làm. Mặc dù mình luôn mong muốn có công việc ở St. Catharines và quanh Khu Niagara – là nơi mình đã sống trong thời gian đi học và rất thích – nhưng cơ hội việc làm thì bao giờ các thành phố lớn như Toronto hay Mississauga cũng nhiều hơn nên cuối cùng mình hạ cánh nơi này.
Với chiếc xe Acura 2005 làm bạn đồng hành, mình chạy đi chạy về giữa St. Catharines và Toronto khá nhiều lần, mỗi khi có cơ hội việc làm. Đây là lý do mình thường khuyên các bạn đi sau là nên thi bằng lái, mua xe để nâng cao cơ hội việc làm, chứ đừng chờ đợi có việc làm mới tính đến chuyện mua xe.
Hai cuộc phỏng vấn mình nhắc trong bài viết đã không thành công nhưng ít ra mình hiểu các công ty họ cần gì và mình thiếu hay thừa điều gì để bổ sung hay bỏ bớt cho phù hợp trong những lần sau.
Ở Việt Nam, mình phụ trách tuyển dụng cho nơi mình đi làm thuê từ những năm 24-25 tuổi và gần 15 năm nay làm chủ, mình hiểu rất rõ sự phù hợp giữa người tìm việc và công việc đang cần người, cũng như sự may mắn và cơ duyên giữa hai nhân tố này quan trọng đến mức nào.
Heading for Toronto on Thursday.
5 applications sent, 2 responses arrived.
Việc làm chuyên môn ở Canada không hề dễ kiếm, ngay cả với dân sinh ra và học hành tại đây. Với du học sinh chưa/không có kinh nghiệm chuyên môn, tiếng Anh/Pháp khiêm tốn, không có nhiều mối quan hệ xã hội, không có kết quả học tập tốt thì khả năng có việc làm đúng mong muốn gần như là số không. Cũng dễ hiểu, lương được trả bằng giờ, bằng phút thì hiếm có công ty, tổ chức nào nhân đạo đến mức tuyển những nhân viên mà họ phải mất công đào tạo lại từ đầu, trong đó có thực tế phải đào tạo thêm về ngôn ngữ.
Cho nên, nếu phụ huynh nào muốn cho con du học hay bản thân mình muốn đánh đổi cơ hội thì phải suy nghĩ cho thật kỹ, chuẩn bị cho thật tốt và đừng bao giờ nghĩ rằng ở nước ngoài (như Mỹ, Anh, Úc, Canada,…) công việc dễ tìm, tiền dễ kiếm. Khá nhiều người bị ảo tưởng khi ở Việt Nam công việc không tốt, tìm việc khó quá, rồi nhìn sang các nước tư bản giàu có mà quyết định ra đi để mong thay đổi vận mệnh, cuộc sống. Đó là suy nghĩ sai lầm, dẫn đến tình huống vỡ mộng và tiến thoái lưỡng nan.
Nói vậy để những ai có ý định thay đổi cuộc sống hiện tại ở nhà và mong muốn tạo dựng tương lai ở một nước được cho là giàu có hơn, văn minh hơn, an toàn hơn, nhân văn hơn phải có sự chuẩn bị về mọi mặt một cách chu đáo nhất.
Không tin thì hãy hỏi những người trong cuộc. Họ sẽ nói cho mà nghe.
Tuy nhiên, nếu các bước chuẩn bị tốt trước khi quyết định thay đổi thì khó khăn, thử thách sẽ dễ dàng vượt qua hơn và sự thay đổi cũng xứng đáng bởi lẽ có một số (chỉ một số) thứ ở xứ tư bản như Canada có mà ở Việt Nam, nếu không thay máu, thì vài trăm năm nữa cũng không có được.
Chú thích hai cái email trao đổi bên dưới với hy vọng các em/con/cháu du học sinh hay hiện đang ở Việt Nam sẽ học được chút gì đó khi đi tìm việc:
Sau khi đọc thông báo tuyển dụng, xác định phù hợp với yêu cầu, mình chỉnh lại hồ sơ (gồm resume và thư chào hỏi) để gửi cho nhà tuyển dụng. Trước khi gửi, mình tìm thông tin về công ty này và đọc kỹ, xem mình có nên nộp hồ sơ hay không để tránh mất thời gian cho cả đôi bên. Trong thư chào hỏi, mình có nhấn mạnh rằng trước khi quyết định nộp hồ sơ, mình đã tìm hiểu kỹ về công ty và nhận định lợi ích của hai bên sẽ rất lớn nếu có cơ hội hợp tác.
3 giờ sau khi nộp hồ sơ, mình nhận được yêu cầu gặp trực tiếp để trao đổi cơ hội việc làm.
Chưa biết công ty kia có nhận mình không và mình chưa chắc sẽ hợp tác với họ, nhưng gặp nhau trao đổi thì bước đầu có thêm một cơ hội, một lựa chọn.