Hồi còn ở Việt Nam với cái nhìn của một con ếch ngồi đáy giếng, mình đã nghĩ cuộc sống bên Tây đích thực là thiên đường trải đầy hoa hồng, chim và bướm bay lượn. Nơi đó chỉ có xách balo lên và đi chơi mà không cần phải lo nghĩ về cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền như dân bên mình. Chậc, dân Tây thật sướng. Ngày hôm đó, khi máy bay cất cánh đưa mình sang một phương trời mới, mình đã từng viết trên FB cá nhân mình rằng đây chắc chắn là một bước ngoặt của cuộc đời mình và là câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “Có nên du học ?”. Đúng! Từ giây phút đó mình đã thoát khỏi cái giếng mà mình đã ngồi lâu nay và ra thế giới bên ngoài để nhìn, cảm nhận và hiểu hơn về thế giới này. Mình cũng từng chia sẻ, mình thật sự đang sống trong giấc mơ của mình, tất nhiên mình biết ơn và cảm thấy hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không có nghĩa là luôn luôn bay bổng, màu hồng mà mình biết ơn và cảm thấy hạnh phúc vì chặng đường này đã dạy cho mình biết nhiều điều về cuộc sống.
Có nên du học sau khi tốt nghiệp hay không?
💙Thứ nhất, học là “a lifelong journey” (hành trình suốt đời). Sau khi tốt nghiệp đại học, mình nghĩ việc học của mình đã hoàn thành sau 16 năm miệt mài đèn sách và từ giờ chỉ có việc tận hưởng thành quả của 16 năm đó thôi nhưng không phải, mình đã hoàn toàn sai. Hành trình du học này dạy cho mình rằng, kiến thức của mình còn chưa bằng một giọt nước giữa đại dương mênh mông kia và điều mình phải làm là tiếp tục tiến lên phía trước, không ngừng học hỏi mỗi ngày vì kiến thức đâu chỉ có được dạy ở mỗi trường học đâu. Ngoài kia trường đời còn nhiều thứ mà chúng ta phải học nữa trong khi đó kiến mình có thì quá nhỏ bé.
Ở đâu cũng phải cố gắng
💙Thứ hai, mình học được rằng trên thế giới này, dù ở ngóc ngách nào thì con người chúng ta cũng là một loài vậy nên chúng ta rất giống nhau chỉ khác ở cách chúng ta thể hiện mà thôi. Ai cũng phải cố gắng, nỗ lực mỗi ngày, đấu tranh cho lý tưởng sống của bản thân. Có nhiều người có rất nhiều tiền nhưng chưa chắc họ đã hạnh phúc nhưng có những người tiền không nhiều nhưng biết cách tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống bằng những điều nhỏ nhoi, đơn giản như học thêm một ngoại ngữ, học thêm một thứ mới hay bất kể điều gì mà họ thấy ý nghĩa thì cũng khiến họ hạnh phúc.
không phải cứ Tây là giàu
💙Thứ ba, không phải cứ Tây là giàu. Các nước bên Tây tất nhiên giàu hơn nước mình vì họ là các nước đã phát triển, cấu trúc xã hội đã được hoàn thiện tuy nhiên người dân họ không phải giàu như nghĩa mà dân mình hay gắn mác cho họ rằng họ bỗng nhiên giàu, không cần làm việc cũng giàu (có thể có một vài trường hợp cá biệt) mà Tây cũng phải học tập, làm việc và cố gắng mỗi ngày, cũng phải lo lắng cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền như bất kì ai trên hành tinh này.
Du học làm tiếng Anh giỏi hơn?
💙Thứ tư, Tiếng Anh – chắn chắn ai đi du học thì tiếng Anh tự nhiên giỏi lên mà không cần phải học. Điều này hoàn toàn không đúng. Mình thừa nhận rằng môi trường cho mọi người học tập tốt hơn ở Việt Nam nhưng môi trường không phải là tất cả bởi có những người sống bên Tây, Mỹ cả chục năm mà tiếng Anh vẫn bập bẹ. Đi du học nếu muốn tiếng Anh tốt hơn thì bạn càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa, học chăm hơn nữa. Không có cái gì tự nhiên đến mà không cần cố gắng và nỗ lực cả các bạn ạ.
Các mối quan hệ xã hội
Về vấn đề xã hội, một lần nữa mình lại cảm thấy mình may mắn bởi mình được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau từ các anh chị đã từng đạt được rất nhiều chương trình học bổng khắp nơi trên thế giới, các anh chị giáo sư tiến sĩ đang làm việc tại các trường đại học cũng như công ty hàng đầu tại Nauy và họ đã truyền cho mình rất nhiều năng lượng tích cực để vươn lên và cố gắng hơn nữa đến rất nhiều người khác với nhiều câu chuyện khác nhau và họ hội tụ ở Nauy. Chính họ đã giúp mình có cái nhìn nhiều chiều hơn qua câu chuyện của họ. Có một điều mà mình thấy khi biết về điều này lăng kính của mình được mở rộng hơn đó là câu chuyện nhập cư và hòa nhập vào xã hội mới của người Việt.
Hạnh phúc
Câu hỏi mình đặt ra là người Việt xứ này có thật sự cảm thấy hạnh phúc? Đối với những người đã sống ở Nauy một thời gian rất dài thường trên 10 năm mà mình đã gặp gỡ và nói chuyện thì hầu hết mọi người đều bảo khi còn trẻ thì muốn ở Tây làm việc kiếm tiền nhưng khi mọi người cảm thấy ổn định về kinh tế thì Việt nam vẫn luôn là nhà, là quê hương và muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn. Bởi dù sao thì nơi đây cũng chỉ là quê hương thứ hai nơi mà mọi người không có cảm giác thuộc về dẫn đến khi đạt được sự ổn định về kinh tế thì mọi người không cần bươn chải nhiều, có nhiều thời gian hơn chính lúc này mọi người lại cảm thấy nhàm chán và muốn trở về Việt Nam.
Còn với những người đang ở đỉnh cao của tuổi trẻ thì có một sự thật mà hẳn ai cũng biết đó chính là người nhập cư phải cố gắng gấp nhiều lần thì mới bằng được người bản xứ hoặc chẳng bao giờ bằng được mà “human nature” (bản chất của con người) là hay so sánh bản thân mình với người khác nên khi đã cố gắng nhiều mà kể ra cũng chỉ bằng những người không cần nỗ lực nhiều hoặc khi đã cố gắng nhiều mà vẫn không thích nghi được với cuộc sống của dân bản xứ khiến con người ta bất mãn và không hài lòng với những gì họ đạt được. Đây cũng là một những lý do khiến cho con người ta ở xứ này không hạnh phúc. Rồi, đúng là con người ta bị ảnh hưởng bởi rất nhiều chủ nghĩa nhưng mình thấy “consumerism” (chủ nghĩa tiêu dùng) vẫn là cái mà có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến loài người.
Biết đủ
More is always better (nhiều hơn luôn luôn tốt hơn). Cái chủ nghĩa này khiến con người ta trở nên muốn nhiều hơn nhiều hơn nữa và không bao giờ thấy đủ và hài lòng với những thứ mà mình đang có. Ở một khía cạnh nào đó, đôi khi nó cũng có ảnh hưởng tích cực như việc kiến thức, học hỏi nhiều hơn thì thật sự nó luôn tốt hơn. Tuy nhiên, có những thứ mà không phải lúc nào cũng nhiều hơn là tốt hơn. Ví dụ, mình có đọc được bài tranh luận của 2 anh chị người Việt “exceptional” (xuất sắc) có gia đình và đang sinh sống ở Nauy từng học trường chuyên, lớp chọn ở Việt Nam về việc “xây giấc mơ cho con” thì mình đọc được rằng anh người Việt thấy hệ thống giáo dục ở đây quá dễ so với trình độ của các con mà anh muốn con anh học khó hơn, cao hơn nếu không thì sợ nó “drop out” (bỏ học) hoặc hết cấp 3 sẽ không học tiếp đại học nữa.
Mình cũng từng nói chuyện với anh và thấy anh là một người “ambitious” (đầy hoài bão) nên anh muốn xây giấc mơ cho con anh. Liệu điều này có cần thiết? Đôi khi đơn giản lại hạnh phúc hơn và không phải cái gì “the more the better” (càng nhiều càng tốt). Chương trình học ở trường có thể không khó nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ không phát triển tốt trong hệ thống giáo dục đó mà mình nghĩ hãy để chúng tự tìm ra thứ chúng thích và muốn theo đuổi. Điều cần làm là hãy cho con thật nhiều trải nghiệm nhất có thể để rồi chúng tự hiểu và “figure out” (tìm ra) cái chúng muốn làm. Với cá nhân mình thì mình nhận thấy xã hội Nauy là một xã hội tốt vì họ hướng tới sự bình đẳng toàn dân và các phúc lợi xã hội tốt nên thấy tốt rồi thì làm sao cân bằng để “enjoy” (tận hưởng) nó chứ không phải muốn nhiều hơn nữa, vì như vậy sẽ làm cho bản thân luôn trong tình trạng bất mãn, khó chịu và không bao giờ hài lòng dẫn đến không hạnh phúc.
Hòa nhập nền văn hóa mới
Rồi câu chuyện làm sao để hòa nhập vào cuộc sống của dân bản xứ, làm sao mở rộng “social capital”? Ở câu hỏi này thì những người sang đây với mục đích kiếm tiền thì người ta không mấy quan tâm tuy nhiên tầng lớp trí thức thì đặt rất nhiều sự quan tâm. Để hiểu được văn hóa thì điều đầu tiên cần làm là biết thứ ngôn ngữ mà truyền tải nền văn hóa đó vì 2 nhân tố này luôn luôn “intertwined” (gắn kết với nhau). Nhưng có một thực tế rằng, kể cả tầng lớp trí thức ở đây cũng đang gặp khó khăn trong việc “master” (lĩnh hội) được ngôn ngữ bản xứ thì để hòa nhập vào nền văn hóa này chắc chắn họ cũng đang gặp khó khăn.
Nguyên nhân của việc này cũng khá dễ hiểu bởi văn hóa phương Đông mình, đặc biệt mình đang nói đến Việt Nam dường như đối lập với văn hóa phương Tây. Mình có từng học về Giao tiếp liên văn hóa, thì người ta nói rằng người phương Tây thường nghĩ “linear” “direct” (tuyến tính, đi thẳng trực tiếp) trong khi đó người phương Đông mình thì có suy nghĩ “spiral” ‘indirect” (xoắn ốc, vòng vo) dẫn đến việc tiếp cận nền văn hóa mà đối lập với nền văn hóa “native” (gốc) của mình gặp nhiều khó khăn. Để hòa nhập thì chắc chắn phải “make changes” (thay đổi) mà quan trọng nhất là phải thay đổi “mindset” (tư duy) để “accommodate” (thích nghi) với văn hóa mới. Câu chuyện hòa nhập này chắc chắn còn nhiều khía cạnh nữa cần khai thác mà mình thì chưa đủ kiến thức cũng như trải nghiệm để viết nhiều hơn nhưng theo cá nhân mình quan sát thấy thì đây là vấn đề khá đau đầu của dân nhập cư.
Mình hy vọng mình sẽ học được nhiều hơn nữa hay ho và thú vị hơn nữa trong tương lai.
