Hiện tại có rất nhiều tin đồn về hiệu quả của việc xin visa du học Canada diện SDS.
Chương trình du học SDS như một cái phao cứu sinh của người Việt có ước mơ đi du học.
Việc chứng minh tài chính cho chính tài sản của gia đình mình thực sự rất vất vả với người Việt. Ngôi nhà mình đang ở, chiếc xe mình đang đi nhiều khi lại được đứng tên bởi một người không có mặt trong gia đình. Quy trình kinh doanh của gia đình mình chưa chắc có đóng thuế đầy đủ hay không. Các loại hoá đơn, chứng từ để thể hiện cho năng lực tài chính của người bảo lãnh cũng rối loạn một cách nhức đầu.
Vì vậy, SDS với cam kết nhanh, gọn, rẻ, dễ càng làm cho người Việt phấn khích hơn bao giờ hết. Như đi mua một đôi Nike chánh hiệu, đẹp xuất sắc nhưng chỉ cần bỏ ra 500.000 vậy. SDS cũng vậy, được đi du học với một kế hoạch tài chính dễ thở hơn rất nhiều.
Nhưng những cam kết dễ dàng đó đang dần mong manh hơn bao giờ hết. Từ đầu năm 2019 đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ rớt Visa của học sinh người Việt với chính phủ Canada là 55%. Vậy là trong 100 người nộp đơn xin Visa Canada diện SDS chỉ có 45 người là mạnh mẽ ra đi.
55 người còn lại, vì lý do gì mà rớt Visa. Vì lý do gì lại nằm ngoài những mong đợi rằng đi theo diện SDS sẽ không bao giờ rớt Visa.
Vì lý do gì, thì thầy xin mạo muội nói thêm vài điều bên dưới.
TỈ LỆ RỚT VISA DU HỌC CỦA NGƯỜI VIỆT TĂNG GẤP ĐÔI TRONG 9 THÁNG
Mình cùng nhìn lại tỉ lệ rớt Visa theo từng năm trước nhé:
– Năm 2017: 24%
– Năm 2018: 22%
– Năm 2019: 55%
Tiếp theo, mình cùng nhìn lại tỉ lệ rớt Visa theo các nước trong nhóm SDS:
– Giải khuyến khích: Trung Quốc với 15%
– Giải Á Hậu 2: Ấn Độ với 30%
– Giải Á Hậu 1: Philippines với 40%
– Hoa hậu bị xa lánh được vote bởi IRPR (Quy định bảo vệ người Nhập cư và người Tị nạn): Việt Nam với 55%
So với chúng bạn cùng trang lứa, Việt Nam trưởng thành rất nhanh.
Khi ở nhà mẹ, Việt Nam rất chăm chỉ nhưng không có được một hồ sơ quá đẹp và sạch sẽ. Nên thôi kệ, Việt Nam sẽ chọn các ngành học, chỗ học sao cho dễ qua Canada nhất là được.
Khi qua Canada rồi, Việt Nam vẫn nhớ về quê cha đất mẹ, tự hứa với lòng phải tiếp tục duy trì những phẩm chất tốt đẹp nhất của gia đình mình. Việt Nam ráng đi làm thêm quá 20h/ tuần. Việt Nam làm ngày làm đêm, làm đến độ bỏ giờ học, bỏ giờ ăn. Để tăng thêm sức mạnh cho khối Nails Quốc tế và Phở Quốc tế, Việt Nam cố gắng trau dồi bản thân hết mực trong việc chân, tay, nước và bưng bê mà quên luôn cái ngành học mà mình đã hứa sẽ hoàn thành khi sang Canada. Thì ra lời hứa sang đây học tập chỉ là lời nói dối của tháng 4.
Vào một ngày mùa thu, tiếng nước đổ từ thác Niagara ồn ào một cách lạ lùng. Những thủ thuật làm thêm kiếm tiền, đổi ngành học, không đảm bảo số giờ học, tìm người kết hôn trước kỳ hạn visa, ba mẹ xin sang thăm con xong tìm cách ở lại,… đã vô tình lọt vào tầm ngắm của IRPR.
Là một người khá nổi bật, Việt Nam thích tắm hơn Trung Quốc, không hôi như Ấn Độ, không vô duyên như Philippines. Nhưng một cách vô tình, Việt Nam lại bị thúi địt hơn các bạn. Việt Nam dễ bị dụ bởi những món lợi nhỏ trước mắt và hay than thân trách phận hơn mọi người. Nhưng cũng không thể trách Việt Nam được, khi tinh thần của mình được nuôi dưỡng bởi những bản Bolero và dinh dưỡng được truyền từ những cây rau muống. Việt Nam thật giống một tấm bèo trôi lơ lửng giữa dòng sông, một cơn gió cuốn qua cũng khiến Việt Nam run rẩy.
Những điều trên được chứng minh qua con số 55% hồ sơ xin visa diện SDS từ Việt Nam bị từ chối. Một con số quá lớn so với tưởng tượng, cũng như so với kỳ vọng của chương trình tạo điều kiện tốt nhất cho việc du học như SDS.
Chúng ta phải nhìn lại chính cộng đồng của mình.
Chuyện gì đang xảy ra với danh xưng đất nước của mình vậy.
Uy tín và trách nhiệm, chúng ta chỉ có 45% sự tin tưởng của Canada.
LÝ DO GÌ KHIẾN EM BỊ TỪ CHỐI CẤP VISA DU HỌC SDS
Thầy cũng không biết. Không một ai nằm ngoài tấm kính của Lãnh sự quán Canada ở Việt Nam có thể biết được chính xác lý do đó là gì.
Có những giải thích rất đơn giản từ suy luận và kinh nghiệm cá nhân của những người làm du học như sau:
– Chính phủ Canada đang siết tỷ lệ cấp visa du học diện SDS
– Lộ trình học không được thể hiện rõ ràng và đang còn thiếu logic
– Chính phủ Canada đang ưu tiên mở rộng chương trình dài hạn trên 3 năm cho bậc Đại học và Thạc sĩ thay cho bậc Cao đẳng
Nghe cũng có vẻ hợp lý, nhưng rồi khi một cô bé gia cảnh giàu sang, học lực giỏi giang, mặt Thuý Vân, dáng Mai Phương Thuý đứng khóc nức nở vì em bị từ chối vì lịch sử du lịch của gia đình, thì thầy bỗng thở dài trong vô vọng.
Lý do giờ có vẻ không còn quan trọng nữa. Những con người Việt Nam bé nhỏ, hãy nắm vững tay chèo nào (nghĩa đen, là tay chèo nghĩa đen).
Những gì mà thế hệ du học sinh người Việt số 1 tại Canada đã làm, hiện đã trở thành một rào cản quá lớn trong việc tiếp nhận hồ sơ cho thế hệ du học sinh Việt tiếp theo khi muốn sang Canada.
Hơn 20.000 người Việt ở Canada, có lẽ chỉ có khoảng 1.000 người tạo ra những trường hợp báo động, 19.000 người còn lại vẫn đang học tập và làm việc một cách văn minh và nỗ lực hết mình. Nhưng con số 1.000 đó có lẽ lại đang là con số rất đáng quan ngại với chính phủ Canada.
Vậy mình phải làm gì bây giờ. Tự dưng nhà mình có ông chú bác họ, ổng hay đi đánh nhau bậy bạ, xong rồi đi đâu mình cũng bị chỉ trỏ, cũng bị vạ lây và điều tiếng.
Thì mình đành phải chịu, ai mượn ổng là chú bác họ của mình. Chỉ là mình càng phải cố gắng hơn, mình càng phải tốt hơn, phải rõ ràng hơn. Cầm tấm hộ chiếu mang hình bông lúa trên tay, càng phải có trách nhiệm với nó hơn. Chỉ có vậy, mình mới đạt được những điều mà bấy lâu nay mình hằng mong muốn.
…
NHỮNG ĐIỀU MÀ CÁC EM NÊN CHÚ Ý
Chúng ta lại tiếp tục nhìn, phải nhìn đến khi mình sửa hết những khiếm khuyết của mình nhé.
Những điểm từ chối đáng lưu ý:
1. Không phải là một học sinh tốt ở Việt Nam:
Hồ sơ cho thấy các em có điểm trung bình dưới 6.5, không có chứng chỉ tiếng Anh đủ mạnh.
Với những điều trên, các em sẽ được xem là một học sinh không thực sự tốt tại Việt Nam. Và làm sao các em có thể thuyết phục được người ta để vào nước người ta học, khi mà học ở Việt Nam mà các em cũng học không tốt. Không có một dữ liệu nào đủ tin cậy để tin rằng các em sẽ học tốt ở đất nước của người ta cả.
2. Lộ trình học không hợp lý, kế hoạch học tập không rõ ràng:
Thường gặp ở việc các em đã có bằng cử nhân ngành A nhưng lại tiếp tục xin học cử nhân ngành B, ngành B không liên quan gì ngành A.
Hoặc ngược lại, các em đã có bằng thạc sĩ nhưng lại tiếp tục xin học cử nhân cao đẳng.
Có bạn thì có bằng sư phạm Văn xong muốn xin học thạc sĩ Công nghệ thông tin, học ngành Nhà hàng – Khách sạn.
Nghe thật là phi lý đúng không các bạn.
Các bạn có thấy thật là vô lý không, thật là không tìm ra được chút thuyết phục nào luôn đó các bạn.
Vấn đề đặt ra là người ta sẽ nghi ngờ Lý do mà các em xin vào nước người ta, mục đích các em đi học thực sự là gì, vì sao các em lại chọn học ngành đó. Tâm lý của người tiếp nhận thông tin với những quy định điều luật có sẵn sẽ là: “Thằng này tính lừa mình phải hôn. Mày nghĩ mày khôn hơn tao luôn ớ hở. Vậy là tu bi không tình yêu nha con trai.”
Điều số 1 và số 2, các em có thể điều chỉnh bằng Study Plan.
Trong danh sách hồ sơ chuẩn bị không yêu cầu Study Plan.
Nhưng nếu các em cần phải có chỗ để giải trình cho sự vô lý của mình, thì đây là nơi duy nhất các em có thể trình bày được.
Các em hãy nhớ, Study Plan là một Kế hoạch học tập tại Canada. Nó sẽ giúp các em giải trình Lý do và mục đích các em đi học, chứng minh được ý định nghiêm túc trong việc đi học của các em, ràng buộc gì khiến các em quay trở về. Trong Study Plan, không có chỗ để các em nói quá nhiều về bản thân, những cảm nhận rồi tâm sinh lý của em như thế nào. Thường thì những điều mà người ta muốn đọc thì các em lại không có trong Study Plan. Hãy viết thật ngắn gọn, và rõ ràng những mốc thời gian và ý định học để chỉ cần nhìn lướt qua người ta cũng nắm được ý chính.
3. Tài chính và chứng minh thu nhập không thuyết phục:
Ở Việt Nam, người giàu cũng có nỗi khổ. Nhìn bằng mắt, nói bằng miệng ai cũng biết là mình giàu. Nhưng để lấy hồ sơ, giấy tờ để chứng minh thì không có gì để thuyết phục. Ở các nước phát triển và văn minh, điều cực tối kỵ trong tài chính là trốn thuế và tiền không rõ nguồn gốc. Để chuẩn bị cho một kỳ du học an toàn và dễ dàng, các em và gia đình hãy chuẩn bị từ giờ, các giấy tờ về tài sản một cách cụ thể. Ví dụ như giấy tờ thuế, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, cái gì của mình thì phải mang về giấy tờ của mình. Chuẩn bị từ từ chứ đừng đến lúc xin được LOA xong rồi cả gia đình té ngửa từng người một.
4. Không chứng minh được ý định sẽ quay về Việt Nam:
Người ta chỉ mời mình qua học thôi, mà mình còn lanh chanh thể hiện cho người ta biết mình muốn ở lại luôn, sống với người ta cả đời luôn. Thì ngay từ vòng gửi xe, người ta đã không cho gửi rồi.
Vấn đề này thì mình cũng giải thích trong Study Plan luôn, thêm cả phần phỏng vấn trực tiếp cũng rõ ràng, dõng dạc về việc sẽ quay về luôn. Đôi mắt ánh lên sự tự hào về dân tộc và đất nước.
5. Người thân không có lịch sử tốt:
Điều này thì ảnh hưởng đến giá trị uy tín của các em. Này hên xui nên thầy không biết bình luận gì.
6. Khai báo thiếu về lịch sử xin visa:
Nhớ khai báo đầy đủ. Còn đã biết bản thân bị từ chối nhiều lần rồi, hết cơ hội qua bển rồi mà vẫn nộp tiếp thì nhớ nắm vững tay chèo.
…
NGUYÊN LIỆU ĐI DU HỌC
Thầy thông tin lại những nguyên liệu phải chuẩn bị và các bước phải trải qua để đi du học Canada. Qua đó, các em và phụ huynh có thể lường trước:
1. Hồ sơ:
– Hồ sơ cá nhân:
Học bạ, bảng điểm, bằng cấp, lý lịch tư pháp, thư mời học, bằng chứng đã nộp tiền học, ảnh bằng chứng, đơn xin visa du học Canada,…
– Hồ sơ tài chính:
Sổ tiết kiệm, chứng minh thu nhập của người bảo lãnh, giấy tờ sở hữu Bất động sản, giấy tờ sở hữu Động sản,…
2. Các bước xin visa:
– Thủ tục xin học, bảo trợ du học sinh quốc tế với trường (phần này nhiều lắm)
– Hồ sơ xin Visa du học, dịch hồ sơ
– Nộp hồ sơ vào văn phòng Visa Canada
– Nhận thông tin từ văn phòng Visa và xử lý thông tin
– Nhận Visa và chuẩn bị nhập học
…
3 DẠNG NGƯỜI MÀ CÁC EM TRÁNH TRỞ THÀNH KHI ĐÃ SANG CANADA
Sẽ luôn có những mẫu người mình rất ghét trong quá khứ. Nhưng rồi sau này khi trưởng thành, mình lại vô tình trở thành con người mà mình đã từng rất ghét. Để trở thành một người Việt đàng hoàng ở đất khách, các em hãy mạnh mẽ lên và bảo vệ mình khỏi những điều không tốt dưới đây, dù cuộc đời có xô đẩy như thế nào cũng tránh trở thành những dạng người này nhé:
1. Gian lận:
Con người gian lận lại là người thường hay bị lừa nhất. Nghịch lý dễ sợ nhưng đúng đắn vô cùng. Nên để không bị lừa thì đừng làm người gian lận.
Đó là gian lận trong luật của nước người ta.
Gian lận trong thi cử khi đi học.
Gian lận khi muốn định cư ở nước người ta.
ĐỪNG BAO GIỜ GIAN LẬN.
Thay vì bảo vệ môi trường, thì danh dự của người Việt xứng đáng được bảo vệ hơn đấy. Hãy bảo vệ cho danh dự và uy tín của người Việt ở nước ngoài các em nhé. Nhựa thì chúng ta có thể tái chế, nhưng danh dự và uy tín đã giảm thì khó để có thể tăng lên lại lắm nha.
2. Thiếu hiểu biết:
Nói một cách tinh tế thì là thiếu hiểu biết. Nói một cách mà thẳng thắn thì là ngu.
Qua một đất nước cái gì cũng có luật và cái luật nào cũng có một đống người đứng đó quan sát xem ai làm gì sai để phạt. Thì phải là người hiểu biết về cái luật đó mới sống một cách đàng hoàng được.
Khi còn là học sinh, sinh viên thì phải biết các luật về chuyển trường, chuyển ngành, luật làm thêm, gia hạn SP,…
Khi đi làm rồi thì phải biết các luật về lương, bảo hiểm, định cư, mua nhà, mua xe,…
Những luật này không hề được giấu đi, nó có trên các page chính phủ hết. Có một điều là đọc không có hiểu, nếu mà đọc không hiểu thì lên các group chia sẻ thông tin để hỏi, tìm người bảo trợ trong trường, trong khu vực để hỏi.
CÁI GÌ KHÔNG BIẾT LÀ PHẢI HỎI.
Thay vì đọc ngôn tình, thì luật (bất cứ cái luật gì liên quan đến người nhập cư) cần đọc hơn đó. Đọc để biết, để không phạm lỗi và để bảo vệ quyền lợi của mình.
3. Làm liều:
Ở Việt Nam hay có câu “Làm liều, ăn số nhiều.”
Thầy thấy nhiều đứa làm liều rồi, xong nó ăn FE Credit, ăn giang hồ tạt sơn hơi bị nhiều.
10 đứa làm liều thì chỉ có 1 đứa ăn số nhiều thôi. Nên nếu không được lì đòn lắm thì nên sống có liều lượng.
Làm liều trong làm thêm, xong thở phào “Hên quá, có bị gì đâu.”. Hên thì chỉ kiếm thêm có vài trăm đô Canada, chứ xui là bị tống cổ về nước đó nha.
Làm liều đi ăn trộm Macbook, xong thở phào “Hên quá, nó không cài định vị.”. Hên cũng chỉ kiếm được 1000 đô, chứ xui là bị truy nã, làm xấu mặt cả một cộng đồng du học sinh.
ĐỪNG ĐI QUÁ GIỚI HẠN CỦA ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI
Thay vì đọc mấy cái câu châm ngôn về mạnh mẽ, thì hãy luôn nuôi dưỡng cho mình một sự yếu đuối và sợ hãi. Yếu đuối trong việc trở thành một người xấu và sợ hãi sẽ bị tống cổ về Việt Nam một cách nhục nhã. Hãy sống là một người có đạo đức.
SDS vẫn đang rộng cửa, trong thời gian vừa qua SDS đã mở rộng từ 4 nước lên thành 7 nước.
Trách nhiệm của người đi sau là làm giảm tỉ lệ bị từ chối Visa xuống và nâng được sự tín nhiệm dành cho cộng đồng người Việt lên.
SDS vẫn chưa có tín hiệu sẽ ngừng, nên để trở thành 1 trong 45% người Việt đi du học thành công tại Canada thì hãy chuẩn bị thật kỹ từ bây giờ nhé.