Cảnh báo: bài viết mang tư tưởng anti IELTS, nếu bạn đang theo đuổi IELTS vì một mục đích cụ thể thì xin đừng đọc bài này. Đây chỉ là 1 ý kiến chủ quan từ một người nào đó chứ không phản ánh tất cả, cũng không khẳng định là nó đúng hay sai.
1. Bản chất của kì thi IELTS
Bản chất của kì thi IELTS là một bài kiểm tra tiếng Anh, được xây dựng để dành cho các trường ĐH, cao đẳng ở nước ngoài kiểm tra xem người làm bài thi có đủ trình độ để học trong môi trường tiếng Anh của 1 trường ĐH hay không? Vì vậy nó kiểm tra các bạn các kĩ năng cơ bản như nghe, nói, đọc, viết. Gần đây thì nó chia ra thành hai dạng là General (hướng đến việc định cư) và Academic (hướng đến việc du học).
Để làm được tốt dạng Academic đòi hỏi người làm phải có kiến thức tiếng Anh, một chút tư duy phản biện (critical thinking) và một chút kiến thức xã hội. Bởi vì bạn không thể dùng 1 từ khi mà bạn còn không biết đến khái niệm đấy nó tồn tại. Gần đây thì thi IELTS càng có giá ở VN khi mà các trường ĐH ở nước ta vì không muốn phải làm các kì thi đầu vào tốn kém mà vẫn không đạt được chất lượng ngoại ngữ cần thiết đối với sinh viên nên đã outsource luôn chuyện thi cử cho IELTS. Ai có điểm IELTS cao có thể được tuyển thẳng vào một số trường.
2. Thần tượng IELTS
Tuy nhiên, có nhiều bạn hiện nay rơi vào tình trạng thần tượng hóa bài kiểm tra này quá mức. Có người thi đi thi lại nhiều lần chỉ để đạt 1 điểm số nào đó mà không thực sự phục vụ một mục đích ngoài đời thực. Những người đạt điểm cao thì được trọng vọng hoặc nhiều khi cũng tự huyễn hoặc mình lên.
Có hẳn 1 chương trình trên TV để người ta thi thố và phô diễn kĩ năng này của mình. Các bộ sách và các trung tâm dạy IELTS thì mọc lên nhan nhản, tạo thành một ngành công nghiệp luyện thi và đoán đề. Xong rồi chuyện bóc phốt, bằng giả thì diễn ra như cơm bữa. Và không chỉ ở VN.
3. Không thực sự phản ánh trình độ
Nhưng điểm IELTS có thể không thực sự phản ánh khả năng tiếng Anh của một người, và ở những trình độ càng cao thì điều này sẽ càng thể hiện rõ. Bạn nào mà giỏi tiếng Anh và đã có tiếp xúc nhiều với môi trường học thuật bằng tiếng Anh rồi sẽ thấy IELTS nó rất là … trẻ con, nhất là ở mặt kĩ năng viết và nói. Thời gian làm bài viết chỉ có 60 phút trong đó phần viết luận là khoảng 40 phút. Trong khoảng thời gian đó bạn vừa phải phô diễn khả năng ngữ pháp, từ vựng của mình vừa phải viết đủ ý cho bài.
Để đảm bảo được điều đó thì việc dạy IELTS thường không hướng đến chuyện diễn đạt ý tưởng bằng tiếng Anh sao cho tốt, mà làm sao để dồn được nhiều idiom, những từ nối rườm rà nhưng bắt buộc phải có, nhiều “từ vựng IELTS”, vào nhất, một cách máy móc. Điều này dẫn đến là kể cả những bài viết Band 9.0 cũng có gì đó không tự nhiên. Thời gian làm bài ngắn nên không có chỗ để bạn làm những động tác thông thường của việc viết một bài luận như là định nghĩa khái niệm, giới hạn phạm vi bàn luận, etc, mà các bạn bị buộc vào nhảy vào luôn viết một cách máy móc ủng hộ/phản đối => đưa ra ví dụ, dẫn chứng.
4. Chất lượng đề thi
Trong khi đó, với độ phổ biến toàn cầu của IELTS, hàng năm tổ chức hàng chục lần thi ở mỗi nước, trải qua hàng chục năm, thì một điều dễ hiểu là đề thi càng ngày càng trở nên cạn kiệt, vô lí (absurd). Giống như đề thi của một bạn trong nhóm hôm trước hỏi “bạn nghĩ thế nào về việc con người ta càng ngày càng có nhiều lựa chọn”. Phạm vi câu hỏi của nó quá lớn, để thực sự trả lời câu hỏi này có lẽ bạn phải vác cả triết học vào, nếu không thì phải quy nó về một số trường hợp cụ thể để xét, rồi mới có thể có một câu trả lời thỏa đáng. Với những đề như vậy, ngay cả những người giỏi tiếng Anh cũng có thể bị vấp, không phải bởi vì họ không thể viết, mà bởi vì nó quá ngắn để làm cho rốt ráo.
Vì vậy nên bài viết IELTS thường không chấm nặng về nội dung mà về hình thức, cách viết hơn. Nhưng ý tưởng phải đi liền với ngôn ngữ. Bạn không thể viết được tốt nếu như ý tưởng bạn không tốt hoặc không có chỗ để thể hiện. Việc nhồi nhét idiom và từ vựng đao to búa vào chỉ là học vẹt, không thực sự cải thiện khả năng ngôn ngữ-tư duy của bạn, giống như kiểu bạn mặc một cái áo rộng thùng thình không vừa với mình.
5. Chấm điểm IELTS có chủ quan hay không?
Ngoài ra, mình không rõ cái logistics đằng sau mỗi kì thi IELTS là như thế nào, nhưng mình có nhiều băn khoăn về chuyện ai chấm các bài viết ở mỗi nước, liệu đấy có phải người bản địa hay không, có thực sự có chuyên môn về học thuật hay không. Tây cũng có nhiều loại Tây.
Người Việt mình có những người không giỏi chữ thì Tây cũng có những người như vậy. Việc bài thi này phổ biến khắp nơi trên thế giới chắc hẳn đòi hỏi một hệ thống logistics rất lớn.
Điểm thi IELTS có thể không phản ánh được trình độ tiếng Anh của một người, vì vậy các bạn nên định hướng rõ mình muốn gì qua việc học và thi IELTS. Nếu các bạn cần một điểm số nhất định để vào đại học, đi du học, hay đi du học, thì tất nhiên là các bạn nên đi học để làm quen với format bài thi và các chủ đề thường gặp. Không cần phải luyện tập quá sớm (dành cho các bạn học cấp 2 đã muốn đi thi IELTS).
Còn nếu bạn hướng đến chuyện rèn luyện khả năng tiếng Anh của mình lên tầm cao nhất có thể, thì nên học một cách “hữu cơ” hơn. Việc học trong trường hay qua sách giáo khoa cũng quan trọng, nhưng cần phải đọc và tiếp xúc nhiều với sách báo, phim ảnh, phim tài liệu, và văn hóa tiếng Anh nhiều hơn, một cách authentic hơn. Những thứ các bạn học trong các loại sách luyện IELTS chưa chắc đã có nghĩa là bạn có thể áp dụng được, dùng đúng và hiểu sâu về ngôn ngữ được.
