Cách tìm lại cảm hứng học tiếng Anh và lên kế hoạch học tập hợp lý để đạt được đột phá mới – How to rekindle your passion for English. Trong tiếng Anh có một thành ngữ là “fall off the wagon” dùng để nói đến những người đang cai rượu bắt đầu nghiện trở lại. Ngày nay, thành ngữ này không chỉ dùng để nói về tái nghiện rượu, mà nghĩa của nó đã trở nên rộng hơn, dùng để nói đến việc tiếp tục một thói quen xấu sau khi đã “cai” thành công trong một khoảng thời gian nhất định
Trong context của việc học tiếng Anh hay ngôn ngữ nói chung, mình định nghĩa việc ‘fall off the wagon’ là bắt đầu chây lì sau một thời gian chăm chỉ học tập. Trước đây mình có chia sẻ về việc bắt đầu học tiếng Nhật hồi cuối năm 2020, chăm được … 4 tuần thì bỏ cho tới 2 tuần trước (tức là gần 7 tháng không học). Hành trình này của mình có nhiều điểm tương đồng với nỗ lực khởi động lại việc học tiếng Anh của nhiều bạn. Mình may mắn là hồi học tiếng Anh chưa phải thực sự ‘restart’ bao giờ, vì từ lúc học tới lúc có thành quả cũng là lúc ngồi trên ghế nhà trường, tức là muốn hay không muốn thì vẫn phải học. Tuy nhiên, mình rất đồng cảm với những bạn bỏ bê tiếng Anh trong một thời gian dài và muốn tìm lại cảm hứng học tập vì bản thân mình cũng đã và đang trải qua những khó khăn này với tiếng Nhật. Dưới đây là một số kinh nghiệm mình rút ra cho bản thân, hi vọng các bạn sẽ thấy hữu ích trong hành trình đạt được một mục tiêu còn khó hơn ‘get on the wagon‘, đó là ‘NOT fall off the wagon‘ khi học ngôn ngữ
1. Thắng những trận nhỏ
Việc tự tạo cho bản thân cảm giác mình hoàn thành được một target nào đó, dù là rất nhỏ, là cực kì quan trọng trong việc duy trì cảm hứng. Vì thế, mình ưu tiên cách học nào cho mình nhiều cơ hội chinh phục được các target nhỏ đó, và một trong những cách hữu dụng đó là học qua app. Đa phần các app học ngôn ngữ ngày nay được thiết kế như một trò chơi, và để qua được một “ải” trong trò chơi này chỉ cần chúng ta mò mẫm khoảng 5-10 phút/ ngày là được.
2. Thành thật về quỹ thời gian của bạn
Nhiều bạn bảo mình là các bạn có tận 4-5 tiếng/ ngày để học tiếng Anh. Thực sự mình thấy nó hơi … ảo. Cá nhân mình sau khi trừ đi thời gian dành cho công việc và các hoạt động cá nhân, mình dành được 20p/ ngày để học ngôn ngữ là căng. Và dù có 5-10p đi chăng nữa cũng không sao cả, vì thà bạn biến khoảng thời gian ít ỏi đó trở nên thực sự chất lượng, còn hơn là gượng ép bản thân học 5 tiếng mà trong đó 4 tiếng bị tiêu tốn vào việc ngồi vật vã hoặc sao nhãng.
3. Có hệ thống thưởng – phạt
Khi học hoặc kể cả khi làm việc bạn nên có hệ thống thưởng – phạt rõ ràng với những mục tiêu mình đề ra. Nếu bạn áp dụng quy tắc 1 -2 tốt, bạn sẽ đặt những mục tiêu thực tế, phù hợp với lối sống của bạn và từ đó consistently được thưởng. Tất nhiên, chúng ta nên thưởng cho bản thân những thứ mình thực sự thèm, nhưng với liều lượng khiêm tốn thôi, kiểu như ‘cho phép bản thân ngồi lướt Insta 10 phút’ nếu ‘tập trung 20 phút học tiếng Anh’ – chứ phần thưởng không nên là cơ hội để bạn “bễ” nha!
4. Đừng học một mình
Dù có bạn học cùng, có thầy cô kèm hoặc học trong một tập thể lớp, bạn đừng đánh đồng việc ‘tự học’ với ‘học một mình’. Hãy cho phép bản thân được truyền thêm cảm hứng từ người khác, và hãy tham khảo những góc nhìn của họ nữa. Việc học một mình khiến bạn bị giới hạn về perspective, trong khi ngôn ngữ là một ‘living, breathing entity‘ – bạn cần trao đổi kinh nghiệm với những đồng môn mới có thể chế ngự được sự đa dạng và biến hoá khôn lường của nó.
5. Học đi đôi với hành
Mình đang không nói tới việc học được từ gì hay cấu trúc ngữ pháp nào là tự đặt câu; mình đang muốn động viên các bạn thực sự thoát khỏi sách vở để nhìn thấy ngôn ngữ được sử dụng thế nào trong đời thường. Ví dụ, mỗi ngày mình đều lên Instagram tìm một caption tiếng Nhật và thử ngồi dịch xem như thế nào. Vì chữ Hán mình hầu như không biết và ngữ pháp cũng chưa phải thành thạo, nên đôi khi ngồi dịch một caption 2 dòng thôi mà tốn đến nửa tiếng. Nhưng kể cả khi “ngập ngụa” trong một đống kiến thức mới như vậy mình vẫn vô cùng thích thú khi thỉnh thoảng được ôn lại những thứ mình học trong sách hoặc được cô dạy.
Khi ngôn ngữ không chỉ tồn tại trong sách vở nữa mà trở thành công cụ để bạn mở ra những kiến thức mới, đó là lúc cảm hứng nhất thời với ngôn ngữ trở thành một thứ tình yêu bền chặt hơn, và chính nó sẽ là sức mạnh để bạn ‘stay on the wagon‘ trong đường dài