[Thảo luận về IELTS, TOEFL, … lấy cảm hứng từ chủ đề của Trường Teen trên VTV7]
Từ phương diện của người đã từng du học cả ĐH và Thạc Sỹ (Thạc Sỹ giảng dạy Tiếng Anh) ở nước nói tiếng Anh bản ngữ, cộng thêm là người làm trong ngành giảng dạy Tiếng Anh gần chục năm nay và từng giảng dạy Tiếng Anh tại các trường ĐH bao gồm ĐH KTQD NEU và Học Viện BCTT AJC, Tôi (Điệp Lê) xin chia sẻ một số quan điểm chung như sau:
1. Tôi đã từng dạy nhiều bạn sinh viên có bằng IELTS 8.0, 8.5. Đối với Tôi, họ là những người học và thi TA giỏi và sớm. Điểm khác biệt của các bạn đó về ngôn ngữ không nhất thiết là tạo ra sự vượt trội trong các môn chuyên ngành, và ngược lại các bạn giỏi các môn chuyên ngành không nhất thiết là phải giỏi tiếng anh. Mà thực tế là tất cả các bạn đó đều đã đỗ Đại Học.
2. Chứng chỉ Tiếng Anh đang bị thương mại hoá, cuồng hoá tới mức rất nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh (người chi tiền cho Con đi học) nghĩ nó là con đường duy nhất. Không hề! Bản thân Tôi chưa từng thi IELTS bao giờ!
Hệ luỵ của việc này dẫn đến việc các bạn hs sv lại thêm áp lực thi thêm một kỳ thi ở đất nước vốn dĩ đã nặng nề thi cử như Việt Nam mình, thậm chí từ cấp 1 đã đi học IELTS. Các bạn Tây của Tôi nghe và thốt lên “That’s crazy, how terrible!!!).
3. Tiếng Anh rất quan trọng tong mọi ngành nghề thời đại ngày nay, chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC, vv cũng rất có ích để chứng tỏ khả năng ngôn ngữ. Nhưng lầm tưởng nó là con đường duy nhất, lấy nó làm thứ thúc ép con mình phải đạt được từ khi còn trên ghế nhà trường, khi kiến thức xã hội và tư duy phản biện còn chưa đủ đầy thì quả là khó khăn cho người học … và cả người dạy!
4. Trải nghiệm từ một người dạy Tiếng Anh ở nhiều môi trường và cho nhiều lứa tuổi cho Tôi thấy rằng, rất nhiều bạn điểm cao Tiếng Anh (cả trên trường lớp hoặc chứng chỉ IELTS, vv) đều không giao tiếp và làm việc hiệu quả, cả ở môi trường Việt Nam và khi đi du học (đi du học khó hoà nhập). Và rất nhiều người không có bằng cấp Tiếng Anh thì giao tiếp và sử dụng Tiếng Anh rất hiệu quả! Các doanh nghiệp tuyển dụng cũng hãy cởi mở và đừng đánh trượt hay loại bỏ những ứng viên chưa/không có bằng Tiếng Anh ngay từ đầu nhé, hãy cho họ cơ hội thể hiện khả năng.
5. Nếu cuồng hoá chứng chỉ và thi cử, thì sẽ xuất hiện rất nhiều lò luyện và dạy mẹo, học tủ để đạt điểm cao, vì học để thi mà, chất lượng Tiếng Anh thực sự, cảm thụ ngôn ngữ thì nó đâu chỉ gói gọn trong kỳ thi cụ thể nào đâu. Điều này thể hiện rất rõ đối với các bạn đi du học, hụt hẫng và khó hoà đồng vì nghĩ có điểm cao Tiếng Anh hoặc có bằng IELTS là sẽ du học thành công.
6. Khi đi du học hoặc xét học bổng, các trường sẽ xếp chứng chỉ Tiếng Anh cuối cùng, các bạn được học bổng sẽ là những bạn học rất giỏi các môn học khác, còn bằng IELTS chỉ là để chứng tỏ bạn dùng Tiếng Anh được thôi (ĐƯƠNG NHIÊN! Học ở bển thì phải học bằng TA mà), nên mức 6.0 hoặc 6.5 là mức nhà trường yêu cầu đi du học hoặc xét học bổng rồi.
7. IELTS hay những chứng chỉ tương tự không xấu, nhưng cách tiếp cận học tiếng Anh, tiếp cận thi lấy bằng ở Việt Nam hiện tại nó cực đoan quá. Tôi rất buồn khi thấy những câu hỏi “Em đang mất gốc, muốn học IELTS được 7.0, Thầy cho Em xin học lớp IELTS với ạ”, hoặc là “Thầy ơi, Tôi muốn cho Con học IELTS, bây giờ các bạn ai cũng học mà thấy bảo học cái này rồi là được tuyển thẳng ĐH”.
Vậy là lại quẩn quanh học để thi.
Hãy tiếp cận học Tiếng Anh như một phần trong hành trình chinh phục tri thức, coi nó là một phần của cuộc sống thay vì đau đáu phải có bằng này, chứng chỉ kia. Khi bản cảm nhận được nó rồi thì việc học và thực hành TA trở nên nhẹ nhàng, và những bài kiểm tra, thi chứng chỉ sẽ chỉ ngốn mất chút ít thời gian và công sức làm quen dạng đề khi Bạn cần thôi, nhớ nhé!
Imagine if Albert Einstein had had to take the IELTS when migrating to the US, I don’t think he would have become that famous and successful as a scientist, and made such contribution to humanity.