Đi thi IELTS lần đầu vào tháng 7/2012, từ đó tới nay mình đã đi thi khoảng gần 20 lần (năm nay hi vọng sẽ vượt mốc 20 😁), và trong quá trình giảng dạy & làm workshop mình đã chia sẻ khá nhiều về cách người học IELTS nên ôn thi như thế nào. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ tổng hợp đầy đủ về cách MÌNH ôn thi như thế nào. Nhân dịp vừa đăng ký thi lại (ngày nào đố biết, chỉ bật mí là tháng 1 😆), mình sẽ share với cả nhà cách mình ôn tập trước khi thi từ lúc chưa biết gì về IELTS tới nay.
Vì các chia sẻ này khá dài, do chúng dựa trên kinh nghiệm 10 năm của mình với bài thi, mình sẽ chia nó làm 2 phần. Phần đầu tiên sẽ nói về nhóm kỹ năng lĩnh hội các bạn nhé.
ÔN TẬP KỸ NĂNG LĨNH HỘI (LISTENING & READING)
Đây vẫn là 2 kỹ năng nền tảng của việc học tiếng Anh, đặc biệt là trong quá trình luyện thi IELTS. Để chuẩn bị cho 2 kỹ năng này, những thứ mình đã làm là như sau:
Mục lục
1. Học một sách tổng quan về bài thi IELTS
Lần đầu tiên mình “ôn thi” IELTS, mình chỉ đọc đúng một quyển sách test prep là Barron’s IELTS trong 14 tiếng bay từ Mỹ về Việt Nam. Mặc dù nhiều chiến thuật trong sách mình không còn áp dụng, đây vẫn là một quyển primer tốt để bạn nắm được cấu trúc bài thi, độ khó tương đối của từng phần, cách tiếp cận cơ bản với các dạng bài tập khác nhau (một đầu sách khác rất chất lượng các bạn có thể tham khảo là ‘The Official Guide to the IELTS’). Khi đã nắm được những kiến thức cơ bản này, các bạn có thể áp dụng chúng trong quá trình làm bài để tìm ra những thứ cần điều chỉnh.
Và đây là thứ mình cực kì khuyên mọi người nên làm: hãy thử nghiệm để tìm ra phương pháp tốt nhất cho mình. Mặc dù lời khuyên nào cũng có cơ sở, trình độ và tính cách của mỗi người là khác nhau nên bạn phải thử thì mới biết cái gì là phù hợp nhất với bạn. Ví dụ: mình làm Reading không skim & scan, vì tính mình không muốn tốn 5 phút ngồi skim xong vẫn nhớ nhớ quên quên về nội dung bài đọc mà không làm được câu hỏi nào.
Tuy nhiên, có những bạn thấy đây là một bước không thể bỏ qua, và mình hoàn toàn tôn trọng điều đó – trong lớp mình thường cố hướng dẫn học sinh tất cả những phương pháp mình biết, đưa ra quan điểm của mình về từng phương pháp và khuyến khích các em làm thử rồi cùng feedback để xem các bạn thoải mái với cách tiếp cận nào nhất.
2. Luyện đề IELTS Cambridge
Bộ đề gì mình cũng thử qua rồi, nhưng bộ của Cambridge vẫn là chân ái – không lỗi ngữ pháp, đúng format, không cảm thấy lạc lõng về đáp án 😅 Tuy nhiên, mình không làm đề nhiều quá – mỗi lần thi mình luyện khoảng 3 đề Reading & Listening thôi. Thứ nhất là bởi vì mình … lười 🙃 Thứ hai là bởi vì việc làm đề không giúp bạn lên trình, chỉ giúp bạn quen hơn với việc làm đề. Thứ ba là bởi vì mình làm đề kĩ, nên không cần làm nhiều đề để đạt được độ nhuyễn trong việc giải đề.
Để không bị “khớp” khi vào phòng thi, mình thường tăng độ khó khi làm đề ở nhà bằng các phương pháp mình KHÔNG KHUYÊN AI LÀM THEO như: vừa nghe Listening vừa nghe nhạc, skip hết các khoảng chờ trong file nghe, làm Reading xong không double check, vừa làm đề vừa ăn cơm, … 😂 Vậy nên, mặc dù record Reading & Listening khi đi thi thật của mình (không tính lần thi đầu tiên) luôn giữ vững ở mức 9.0 trong suốt 18 lần thi (trừ 1 lần L xuống 8.5 và 1 lần R xuống 8.5 lần lượt vào năm 2017 và năm 2018 nếu mình nhớ không nhầm), khi làm đề ở nhà mình hầu như chưa bao giờ được 9. Điều có thể rút ra ở đây là: quan trọng không phải là làm được bao nhiêu điểm, mà là bạn có hiểu tại sao bạn chưa được điểm tuyệt đối không?
3. Ghi chép cho Writing & Speaking
Trọng tâm của mỗi lần thi của trong khoảng 6 năm gần đây là 2 kỹ năng phái sinh (Writing & Speaking) và mình sẽ chia sẻ về cách mình ôn luyện trong phần thứ 2 của post này. Tuy nhiên, mình tin vào việc tối ưu thời gian ôn tập, đặc biệt trong việc ôn bổ trợ cho kỹ năng phái sinh khi mình đang tập trung cải thiện kỹ năng lĩnh hội. Một trong những cách mình làm việc này là nghiên cứu lại các bài đọc của IELTS, note lại những ý tưởng và cụm từ hay có thể dùng được trong các bài Task 1 hoặc Task 2 (đa phần là Task 2).
Mình có cảm giác người đi thi IELTS thường dùng ngôn ngữ hoặc ý tưởng na ná nhau, và một cách để bạn viết một câu trả lời có góc nhìn độc đáo hơn là mở rộng kiến thức nền. Không cần tìm trên báo chí hay ở đâu xa, những kiến thức này cũng như loại ngôn ngữ mà IELTS khuyến khích chúng ta dùng trong các bài viết rất sẵn có ở đề IELTS.