Học tiếng Anh chưa bao giờ là dễ trừ khi nó xuất phát từ chính sở thích của bạn, có như vậy mỗi lần bước vào học là một hành trình khám phá những điều mới. Còn với những bạn cần học tiếng Anh vì để lấy bằng, để đậu cái này cái kia hay chỉ đơn giản vì ba mẹ bắt phải học thì có lẽ việc học sẽ mang nhiều khó khăn hơn, việc động lực không đi kèm với cảm hứng sẽ mau chóng hủy hoại quá trình học của bạn nếu 1 trong 2 cái đó không còn nữa. Dưới đây là 10 điều bạn cần khắc sâu trong lòng để hành trình này được định hướng rõ ràng để đi dễ hơn nhé, tránh bị lầm đường lạc lối rồi không biết sau cả một thời gian dài mà mình không nhận được gì.
Contents
- 1 #1: MUỐN “NHANH” PHẢI “CHẬM”
- 2 #2: ĐỪNG HỌC TỪ
- 3 #3. TẬP TRUNG VÀO KỸ NĂNG LĨNH HỘI KHI HỌC TIẾNG ANH
- 4 #4. PHÁT ÂM CHUẨN TỪ ĐẦU
- 5 #5: PHẢI CHẮC NGỮ PHÁP
- 6 #6: KHOAN “LÈ LƯỠI” VỚI TỪ KHÓ
- 7 #7: ĐỀU ĐẶN QUAN TRỌNG HƠN NHỒI NHÉT
- 8
- 9 #8: NHẢY VÀO THỰC CHIẾN
- 10 #9: THÀNH CÔNG LÀ KHI BIẾT TỰ HỌC
- 11 #10: ĐỪNG HỌC TIẾNG ANH ĐỂ GIỎI TIẾNG ANH
#1: MUỐN “NHANH” PHẢI “CHẬM”
Đa phần người mới bắt đầu học tiếng Anh theo đuổi những mục tiêu dễ “khoe”. Như điểm số cao, từ vựng khủng, v.v. Tuy nhiên, đến một lúc các bạn có thể sẽ bị “tắc”. Nó chính là kiểu cảm giác bản thân không tiến bộ được, học gì quên nấy, đọc hay nghe thì cũng hiểu “đại khái” thôi chứ thật ra cũng mông lung.
Do đó, để đi được xa trong hành trình học tiếng Anh, các bạn cần dành nhiều thời gian “khởi động” kỹ lưỡng trước. Cụ thể là gì thì hãy đọc đến cuối nhé 😉
#2: ĐỪNG HỌC TỪ
Người học tiếng Anh thường đặt ra những mục tiêu kiểu như: 100 từ/ tháng, 5 từ/ ngày, v.v… Và chắc hẳn ai cũng đã từng… thất bại.
Trên thực tế, việc học theo một list từ, đặc biệt là học theo định nghĩa tiếng Việt “abc có nghĩa là xyz”, khiến cho mình quên từ rất nhanh, vì đơn giản là giữa mình và từ đó không có mối quan hệ gì sâu sắc cả. “Tại sao mình phải nhớ từ này?” “Nó miêu tả cái gì trong cuộc sống của mình?”
Thay vì học từ, hãy đọc, đọc và đọc.
Hãy đọc về những gì bạn thích trước, sau đó thử nghiệm với cả những đề tài bạn chưa thích. Nếu gặp từ mới thì tra từ. Lúc này, giữa bạn và từ vựng đó đã có một cái link, đó là nội dung mà bạn đang đọc.
Việc học từ đó trở nên có ý nghĩa vì nó giải quyết một nhu cầu thật của bạn.
#3. TẬP TRUNG VÀO KỸ NĂNG LĨNH HỘI KHI HỌC TIẾNG ANH
Học tiếng Anh nên học đủ 4 kỹ năng, nhưng đa phần thời gian nên được dành cho nhóm Kỹ năng Lĩnh hội (Đọc và Nghe).
Nhiều người học tiếng Anh dành quá nhiều thời gian cho nhóm Kỹ năng Sản xuất (Viết và Nói). Tuy nhiên, để viết và nói được tự nhiên, bạn phải nạp vào rất nhiều ngôn ngữ từ việc đọc (báo chí, truyện, blog,..) và nghe (phim, podcast, nhạc,…).
Điều này đặc biệt quan trọng khi luyện thi IELTS. Bao giờ 2 kỹ năng “gánh điểm” cũng là Reading & Listening. Nếu 2 kỹ năng này của bạn chưa ổn, bạn không nên đầu tư quá nhiều thời gian viết bài Writing hoặc cày đề Speaking.
#4. PHÁT ÂM CHUẨN TỪ ĐẦU
Phát âm đúng không chỉ để NÓI cho người khác lác mắt; nó còn giúp bạn GHI NHỚ TỪ MỚI nhanh và lâu hơn.
Một sai lầm “chết người” của người mới học tiếng Anh là tách biệt việc nói với việc học từ vựng. Tuy nhiên, để nhớ được một từ bạn phải biết nó đọc chuẩn thế nào đã.
Ngoài ra, việc phát âm tốt cũng cho phép bạn NGHE được liền mạch hơn, giảm thiểu việc dịch từng từ trong khi nghe.
#5: PHẢI CHẮC NGỮ PHÁP
Lý do lớn nhất khiến nhiều người học tiếng Anh nhanh quên không phải trí nhớ kém, mà là do ngữ pháp bị hổng.
Khi bạn nắm vững những kiến thức ngữ pháp nền tảng, bạn có thể tự phân tích những câu khó nhiều từ mới, biến đổi những từ mình đã biết. Từ đó, bạn có thể thực sự bắt đầu sử dụng tiếng Anh một cách linh hoạt chứ không phải chật vật nặn từng từ một khi đặt câu.
#6: KHOAN “LÈ LƯỠI” VỚI TỪ KHÓ
Phản ứng thường gặp của những người tiếng Anh từ con số 0 là ngại những từ dài, khó. Tuy nhiên, từ càng khó, bạn càng nên nghiên cứu nó.
Hãy đặt những câu hỏi như:
- Nó dùng trong trường hợp nào?
- Nó phát âm ra sao?
- Nó có những từ họ hàng nào?
Việc dành nhiều thời gian phân tích sâu về một từ như vậy sẽ khiến bạn hình thành cảm nhận về tiếng Anh tốt hơn và yêu tiếng Anh hơn. Vậy nên, kể cả sau khi tìm hiểu rất kĩ về một từ, bạn vẫn thấy nó khá … vô dụng, thời gian bạn bỏ ra cũng hoàn toàn xứng đáng.
#7: ĐỀU ĐẶN QUAN TRỌNG HƠN NHỒI NHÉT
Dù công việc bận tới đâu hay bắt đầu muộn tới đâu, bạn vẫn có thể giỏi tiếng Anh nếu bạn kiên trì. Tuy nhiên, để kiên trì bạn cần phải đặt cho bản thân những mục tiêu khả thi.
Sẽ rất khó để chúng ta, đặc biệt là người đi làm hoặc/ và có gia đình, có thể duy trì học tiếng Anh 2-3 tiếng/ ngày, hoặc thậm chí là 1 tiếng/ ngày, nhưng đây lại là mục tiêu mà đa phần mọi người đặt cho bản thân.
Thế nên, hãy đặt những mục tiêu cụ thể trong thời gian ngắn. Bạn sẽ có cảm hứng học tập hơn mỗi lần đạt được một thành tựu trong việc học, dù là nhỏ nhất. Dù 15 – 20 phút, thậm chí chỉ là 5 phút ngồi quẹt app học từ mới hay đọc báo, đều có tác dụng nếu bạn có thể duy trì làm đều.
#8: NHẢY VÀO THỰC CHIẾN
Dù bạn có học theo phương pháp hay sách vở nào, mục tiêu cuối cùng của việc giỏi một ngôn ngữ là những gì bạn làm được với nó.
Vì vậy, đừng đợi khi nào từ mới đủ nhiều, đừng đợi khi nào ngữ pháp đủ chắc, đừng đợi khi nào phát âm đủ hay, hãy nhảy vào đọc báo, đọc truyện, xem phim ngay từ những ngày đầu học tiếng Anh. Bạn sẽ ngay lập tức thấy ý nghĩa của việc học tiếng Anh, và đó sẽ là nhiên liệu để bạn đi được đến đích cuối cùng, dù đích của bạn trong hành trình này là gì đi chăng nữa.
#9: THÀNH CÔNG LÀ KHI BIẾT TỰ HỌC
Tự học tức là
- Biết tự research thông tin;
- Biết đối chiếu nhiều nguồn thông tin để kiểm chứng độ tin cậy;
- Biết mình đang ở đâu và mình cần làm gì để cải thiện
- Biết tìm sự giúp đỡ và biết hỏi những câu hỏi cụ thể.
Nếu bạn có thể làm được những việc này, bạn sẽ luôn luôn tiến bộ trong tiếng Anh.
#10: ĐỪNG HỌC TIẾNG ANH ĐỂ GIỎI TIẾNG ANH
Tiếng Anh là một công cụ để giúp chúng ta làm được nhiều thứ khác trong cuộc sống: học hỏi thêm kiến thức mới, hỗ trợ con đường học hành hoặc làm việc, ngắm nhìn thế giới.
Nếu bạn học tiếng Anh để giải quyết một nhu cầu thực tế, bạn sẽ luôn có động lực để đi tiếp, luôn nhìn thấy đích đến kể cả khi gặp khó khăn, và luôn có niềm vui đối với việc học tiếng Anh.