Cách tự học IELTS trong 3 tháng để đạt band 7.0 là một bài chia sẻ của bạn Trí, bạn có nền tảng IELTS 5.5 và thời gian ôn của bạn là trong 3 tháng. Cách tự học này phù hợp với những bạn đã có nền tảng cơ bản và thời gian ôn luyện ngắn ngũi, hy vọng kinh nghiệm mà bạn Trí chia sẻ sẽ giúp các bạn phần nào bổ sung thêm vào kế hoạch tự học IELTS của mình nhé.
Contents
Kinh nghiệm tự học IELTS SPEAKING phải có người luyện chung
Để luyện speaking mình thấy nhất thiết phải có người luyện chung, luyện một mình là không thể được, bởi vì cảm giác khi nói chuyện một mình khác hoàn toàn với khi đối thoại với người khác.
Luyện speaking đối với mình như là xả hơi sau một ngày học IELTS căng thẳng vì gặp partner nói chuyện với nhau rất vui. Kĩ năng này mình cố gắng duy trì mỗi ngày, từ 6 giờ tối đến 9 giờ tối. Mình chỉ tập trung luyện part 2, còn part 1 với part 3 thì mình nói chuyện phím để tự tập phản xạ. Cá nhân mình thấy part 2 đã quá nhiều rồi, không thể học nổi part 1 với part 3 nữa.
Ở part 2, tuy có khoảng 50 chủ đề, tuy nhiên các bạn có thể dùng một mẫu cho nhiều chủ đề khác nhau.
Ví dụ: mình có mẫu về diễn tả một quá cà phê. Bằng quán cà phê này mình có thể dùng cho các chủ đề
1) Tả nơi làm việc mơ ước của bạn bên nước ngoài => mình làm ở cà phê starbuck
2) Nơi thú vị trong thành phố của bạn
3) Thậm chí dùng nó để tả ngôi nhà của người quen,…
Lưu ý đến ACCENT để phát âm chuẩn hơn
Về luyện accent, trước khi bắt đầu học ielts, mình có một giọng hỗn tạp, vừa Việt, vừa Mĩ, cũng vừa Anh. Tuy ielts không chấm điểm accent, nhưng sở hữu một accent chuẩn Anh-Anh, Anh-Mĩ không chỉ giúp tự tin hơn khi giao tiếp, mà còn cải thiện pronunciation cực nhiều. Mình luyện giọng Anh-Anh vì có một nguồn chính thống của BBC, Mĩ tìm không ra :p .
Để bắt đầu luyện accent, mình phải học lại từng cách phát âm phụ âm và nguyên âm trên BBC. Lúc đầu mình thấy rất chán do cho rằng đã biết hết mấy cái cơ bản này rồi, nhưng vẫn ráng ép bản thân học cho hết để rà soát lại hết các lỗ hổng. Điều này thật sự rất có ích, vì khi học xong mình mới nhận ra nhiều chi tiết trong khẩu hình miệng, cách để lưỡi, môi,… mà mình không biết. Đây là nền mống để mình cả thiện giọng Anh-Anh về sau này, và là cái cột rất chắc để tra pronunciation trong oxford.
Sau khi hoàn thành xong giai đoạn cơ bản này, mình tìm các nguồn Anh-Anh để tập đọc nhại lại.. Nguồn chính thống mình tìm được là của đại học Cambridge, trong các bài test đánh giá trình độ tiếng anh khác ngoài IELTS: CAE, PET. Những bài đọc trong này rất rõ và chuẩn, đặc biệt dùng rất nhiều phrasal verb, collocation cũng như idiom, các bạn dùng để luyện từ vựng cho speaking, writing và listening rất tốt. (vừa kết hợp nhại giọng vừa chép chính tả).
Kinh nghiệm khi thi IELTS Speaking
Khi vào phòng thi mình đã khá căng thẳng, nói rất nhanh! Các bạn lưu ý điều này để khi đi thi, lúc nhận thấy mình nói nhanh, thì phải điều tiết lại.
Trong lúc trả lời part 3, do đã quá căng thẳng và mệt do phải thi buổi sáng trước đó nên có một câu hỏi mình không hiểu. Lúc đó mình bị khớp, phải “pardon” ông giám khảo. Ổng hỏi lại lần 2, nhấn nhá từng chữ. Lần này mình cũng không hiểu nốt! Phải khớp mất 3, 4 giây sau mới trả lời được. Lời khuyên ở đây là nếu không hiểu, nghe rõ thì các bạn phải hỏi lại và trả lời CHO BẰNG ĐƯỢC. Mình nhớ là có vài câu mình trả lời hơi xàm và không thực tế, nhưng vẫn phải nặn ra được câu trả lời.
Lúc ngồi nói mình rất hiếm dùng ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ cơ thể không được chấm nên các bạn không cần lo.
Kinh nghiệm tự học IELTS Listening
Phần này mình không luyện theo chép chính tả nên mình nghĩ đây là hậu quả. Thật ra phần này mình cũng tự tin lúc đầu nhưng mà…Điểm mình không được tốt lắm nên không có gì chia sẻ nhiều .
Kinh nghiệm tự học IELTS Writing – Đơn giản và hiệu quả của thầy Simon
Mình không mạnh Writing. Tốt nhất là dùng cấu trúc của thầy simon (bạn có thể lấy tài liệu trong Thư viện tài liệu của Sharenha!). Cuốn Write Right dùng nhiều cụm từ “dữ dằn” nhưng thật ra không hiệu quả vì không phải topic vocabulary nên mình khuyên các bạn không học cuốn này. Học theo simon, hãy viết thật sự đơn giản, dễ hiểu, và dùng topic vocabulary của anh Bách là được rồi.
Các bạn lưu ý Task 1, Task 2 ngày nào cũng phải viết nhé, để cho không bị mất cảm giác. Có một giai đoạn mình viết quen task 1 và chủ quan không viết 1 tuần, sau khi bắt đầu lại nó nhìn như chưa từng được học, quên gần hết các câu mình thường viết.
Simon có khuyên rằng: đừng nên cố làm thật nhiều bài Writing Test, nên dùng thời gian đó để xem lại từ vựng của topic sắp sửa viết, chuẩn bị cho bài của mình tốt nhất. Vì khi các bạn làm bài thi thử, các bạn sẽ không học được từ nào mới, những cấu trúc và idea mới cả.
Kinh nghiệm tự học IELTS Reading với 3 lời khuyên
Mình bắt đầu từ cuốn Reading Strategy For IELTS. Phần mình cảm thấy hay nhất là phần Matching Heading của sách (phần này thấy khá nhiều bạn gặp khó khăn). Trong chương này của sách, tác giả có một lời khuyên về cách đọc. Lời khuyên này là kim chỉ nam cho xuyên suốt quá trình luyện reading của mình nói chung và heading matching nói riêng. Đại loại, tác giả bảo khi đọc bài IELTS Reading không cần đọc hết từng câu từng ý, chỉ nắm được nội dung chính, đọc để hiểu và đọc để nắm ý là hai điều hoàn toàn khác nhau.
Lời khuyên thứ hai, đây là kinh nghiệm của riêng mình, là cố gắng bám vào động từ của câu. Trong tiếng anh, động từ là phần quan trọng nhất, nên nắm được nó có thể hiểu được phần nào.
Lời khuyên thứ ba, qua tất cả các bài đọc, các bạn nên học từ mới trong bài để mở rộng vocab. Đặc biệt sau khi luyện xong bộ cam, mình nhận thấy một số từ thường được lặp lại trong các bài đọc academic của sách. Các bạn không nhất thiết phải chép ra tập rồi học thuộc làu làu. Mình copy những bài đó xong chép vào word, highlight lên rồi cứ buồn buồn mở ra xem thì mưa dần thấm lâu sẽ nhớ. Mình dùng nguồn đọc ở http://ieltsonlinetests.com/ để copy qua word.
CUỐI CÙNG, MÌNH PHÂN BỐ THỜI GIAN HỌC NHƯ THẾ NÀO?
Khoảng nữa tháng đầu, mình đã phải loay hoay rất nhiều để tìm tài liệu và bắt đầu làm quen với lịch học. Mình học từ sáng đến chiều. Nhưng không có nghĩa là mình học liên tục. Sáng dành thời gian cho viết, cái này khá tốn thời gian, khoảng 3 tiếng. Sau đó mệt thì mình bật youtube xem các kênh khoa học để giải trí. Rồi đến là ăn trưa. Chiều thì mình dành 2 tiếng để học reading, 1 tiếng làm test, 1 tiếng để đọc lại học vocab mới. Đến tối thì gặp partner để xả stress, hehe.
Thật sự mà nói với các bạn, khoảng thời gian này mình rất là chán. Mình phải làm liên tục như vậy cỡ 2 tháng. Vì vậy để tránh stress, các bạn nên xen kẽ vừa học giải trí, không cứ nhất thiết một ngày học 7,8 tiếng. Học ít mà hiệu quả tốt hơn hơn ngồi học liên tục mà cái đầu mình căng thẳng mệt mỏi.
Trên đây là một số kinh nghiệm của mình, hy vọng giúp được các bạn trên con đường chinh phục IELTS.
Nguồn: Nguyễn Trung Minh Trí